Trước sự việc hàng loạt hổ và sư tử ở Long An, Đồng Nai chết vì dịch, nhiều người lo lắng cho đàn hổ tại Sài Gòn vì nơi đây cũng nằm trong vùng khí hậu, thổ nhưỡng tương tự.
Hổ mẹ Bengal được Thảo cầm viên tiếp nhận cứu hộ từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương vào ngày 23-2-2022 - Ảnh: NGỌC QUÝ
Tiêm vắc xin nhiều bệnh cho hổ
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Mai Khắc Trung Trực - giám đốc Xí nghiệp động vật, Thảo cầm viên Sài Gòn - cho biết ở đơn vị đa phần hổ chết vì già, rất ít bị bệnh.
Theo đó hổ ở Thảo cầm viên thường có tuổi thọ lớn hơn ngoài môi trường tự nhiên. Khi tới giai đoạn già thì ăn ít và sức khỏe kém rồi mất, chứ không bị dịch bệnh.
Đối với những bệnh liên quan đến bệnh truyền nhiễm của thú họ mèo, họ chó, vắc xin dại, đơn vị tiêm loại tích hợp phòng nhiều loại bệnh trong một mũi tiêm. Bên cạnh đó cũng kiểm tra ký sinh trùng, xổ giun cho hổ.
"Đối với vắc xin H5N1 tiêm cho hổ không thì không có. Vì loại bệnh này chưa sản xuất vắc xin cho hổ. Đa số là tiêm phòng các bệnh thông thường, truyền nhiễm trên họ chó mèo", ông Trực nói rõ hơn.
Về việc dọn dẹp chuồng thì thường 6h30 mỗi ngày có nhân viên vào làm. Thức ăn thì lấy từ nhà chế biến và công ty cung cấp có kiểm dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thông thường hổ được cho ăn vào 14h chiều.
Nước uống được bố trí hai vị trí, một điểm nước chảy như dạng thác, suối tự nhiên. Một điểm là chứa nước thủy cục. Hổ sẽ tùy theo sở thích và lựa chọn.
Hổ con tại Thảo cầm viên Sài Gòn - Ảnh: NGỌC QUÝ
Các động vật khác được chăm sóc ra sao?
Chia sẻ thêm về quy trình chăm sóc động vật ở đơn vị, ông Trực chia sẻ không chỉ hổ mà các loài động vật khác đều có quy trình chung và riêng.
Nhân viên chăm sóc mỗi năm đều được tập huấn về an toàn lao động, an toàn sức khỏe cho người chăm sóc và động vật. Đặc biệt là các cách xử lý tình huống khẩn cấp.
"Chúng tôi luôn cập nhật kiến thức mới cho cán bộ nhân viên. Để đảm bảo hơn nữa, công ty có trang bị đủ bảo hộ lao động cho người lao động, đảm bảo an toàn trong làm việc như quần áo, ủng, khẩu trang đeo khi vào chuồng thú.
Ngoài ra chúng tôi có quy trình sát trùng chuồng định kỳ, sát trùng đường đi, khuôn viên trước và sau lễ. Ở cổng bảo vệ cũng có bình sát trùng để sát trùng xe đơn vị, đối tác, đảm bảo không mang mầm bệnh bên ngoài vào Thảo cầm viên.
Kể cả nhân viên điều động từ huyện Củ Chi, là vùng nuôi gia súc gia cầm nhiều, khi bước vào đơn vị đều phải giẫm vào hố vôi mà mình có chuẩn bị sẵn. Việc này để làm sạch, diệt mầm bệnh mà họ mang trong quá trình đi lại", ông Trực cung cấp rõ hơn.
Ngoài ra, Thảo cầm viên cũng không cho khách mang động vật sống vào khuôn viên. Vì đây là một mối nguy mang mầm bệnh, khả năng lây lan cao.
Trước cổng đều đã ghi rõ quy định này. Còn lại liên quan đến việc kiểm tra, xét nghiệm bệnh, nếu có trường hợp nào mà đơn vị cảm thấy nghi ngờ thì đều mang đi xét nghiệm ngay.
51 con hổ, sư tử chết ở Đồng Nai, Long An
Ngày 30-9, Viện Pasteur TP.HCM cũng đã có văn bản gửi Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về việc ghi nhận động vật hoang dã nhiễm cúm A/H5N1.
Ngoài Đồng Nai, từ tháng 8 đến ngày 16-9-2024, tại vườn thú Mỹ Quỳnh (Long An) đã có 30 con hổ và sư tử bị chết (27 con hổ và 3 con sư tử).
Trong đó có 3 con hổ mới nhập về từ Công ty TNHH khu du lịch sinh thái Vườn Xoài, TP Biên Hòa, Đồng Nai ngày 6-9.
Kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu bệnh phẩm của loài hổ được lấy mẫu tại vườn thú dương tính cúm A/H5N1.
Như vậy, cả Đồng Nai và Long An có 51 con hổ, báo và sư tử chết do nhiễm cúm gia cầm.
Đăng thảo luận