Các Thỏa thuận kinh tế sạch, công bằng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bắt đầu có hiệu lực, đánh dấu bước tiến nhằm thúc đẩy quá trình giảm phát thải khí carbon và hợp tác kinh tế trong khu vực.
14 nền kinh tế IPEF đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trong khu vực thông qua các nỗ lực như phát triển năng lượng hydrogen, theo Thỏa thuận kinh tế sạch vừa có hiệu lực - Ảnh: Tư liệu TTO
Ngày 12-10, Hãng thông tấn Kyodo đưa tin Thỏa thuận kinh tế sạch và kinh tế công bằng lần lượt có hiệu lực vào ngày 11-10 và 12-10.
Đây là 2 trong số 4 trụ cột chính của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), mở ra cơ hội hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa các nước thành viên nhằm hướng tới phát triển kinh tế và thương mại bền vững dựa trên công bằng và năng lượng sạch.
Theo Thỏa thuận kinh tế sạch, 14 nước IPEF đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trong khu vực thông qua các nỗ lực như phát triển năng lượng hydrogen, tăng cường sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững và nâng cao khả năng mua bán điện sạch.
Thỏa thuận kinh tế công bằng có các điều khoản nhằm ngăn ngừa tham nhũng, cải thiện tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý thuế, như tăng cường bảo vệ người báo cáo tham nhũng và đưa ra các quy định để trừng phạt các hoạt động bất hợp pháp trong quy trình mua sắm của chính phủ.
Các thành viên IPEF đã hoàn tất thảo luận về hai thỏa thuận trên vào tháng 11-2023 tại Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 diễn ra ở San Francisco, Mỹ.
Chuyển đổi chiếu sáng xanh hướng tới Net Zero: Tìm giải pháp xây dựng cuộc sống xanh
Du lịch Net Zero là một xu hướng du lịch mang tính bền vững
Trước đó, thỏa thuận về tăng cường chuỗi cung ứng cũng có hiệu lực vào tháng 2.
Thỏa thuận cuối cùng về thương mại vẫn đang trong quá trình thảo luận và các nước thành viên vẫn còn nhiều khác biệt về vấn đề thương mại số.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố IPEF tại Tokyo vào tháng 5-2022, nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với các nước ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
14 quốc gia tham gia đàm phán, bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Singapore, Brunei và Fiji.
Khuôn khổ kinh tế IPEF được chia thành 4 trụ cột gồm thương mại; chuỗi cung ứng, nền kinh tế sạch và nền kinh tế công bằng. Chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, IPEF là một hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó không bao gồm các cam kết cắt giảm thuế quan.
Đăng thảo luận