Hà NộiNăm 2012, khi nhận bằng tiến sĩ loại xuất sắc, các phóng viên Tây Ban Nha hỏi lý do đến đây học, cô gái Việt Nam Vũ Thị Tần liền bắt đầu câu chuyện từ gian bếp của mẹ.
Từ khi còn là cô bé học cấp một, chị Vũ Thị Tần, 38 tuổi, quê Lý Nhân, Hà Nam đã phụ mẹ nấu rượu những lúc bà đi làm đồng hay đội rượu bán rong quanh làng. Bố đi làm xa, năm chỉ về quê hai lần, mẹ chị vừa nuôi lợn, làm ruộng, vừa chăm hai con.
Là con gái lớn, những lúc mẹ vắng nhà, Tần phụ bà bóp cơm, trộn men cho vào vại sành để ủ. Cô bé Tần luôn tò mò vì sao gạo có thể tạo ra thứ nước uống cay cay. ''Tôi hỏi thì mẹ bảo ít học, không biết giải thích thế nào, chỉ biết đó là một quá trình hóa học'', chị nhớ lại.
Những lời của mẹ thôi thúc Tần lao vào học và đặc biệt hứng thú với môn hóa. Cũng nhờ hóa học mà chị không chỉ lý giải được vì sao gạo có thể lên men thành rượu mà có thể giải thích rất nhiều hiện tượng khác trong cuộc sống.
Cấp 2, cấp 3, Tần đạp xe hơn 12 km sang Nam Định trọ học, cuối tuần mới về xin thực phẩm mang đi. Biết con gái quyết tâm nên năm 2005, tin Tần vào thi đỗ khoa Hóa học, Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) không khiến bố mẹ chị bất ngờ.
Chị Tần chụp cùng bà Pilar Gonzaler Boixo, tại Tây Ban Nha, năm 2015. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Học được bốn tháng, chị nhận học bổng toàn phần sang Nga du học. Ban đầu dặn con phải học để đổi đời, nhưng khi con gái đòi đi xa, bà Trần Thị Chiến, 66 tuổi, phản đối kịch liệt.
Ông Vũ Đình Thi (bố chị) nhớ lại: ''Bà ấy khóc như mưa như gió, bảo nhà chỉ có mỗi cô con gái, chỉ cần học hết đại học rồi về lấy chồng, ở gần mẹ''. Ông Thi cũng thương, sợ con một mình nơi xứ người, nhưng lý trí giục ông phải ủng hộ con.
''Một phần tôi nghĩ đi để mở mang tri thức, một phần nữa là nếu sang năm con trai vào đại học, vợ chồng tôi không thể lo cho hai đứa cùng một lúc'', ông Thi nói.
Đang làm thuê ở Gia Lai, ông bắt xe khách về quê, chạy xe máy chở con gái lên Hà Nội làm thủ tục đi du học. Ngày tiễn con ra sân bay, bà Chiến vẫn khóc, còn Tần hứa cố học thành tài để có tiền sửa lại gian bếp lợp mái ngói đã phủ rêu của mẹ.
Chị Tần trong chuyến công tác tại Luxemnbourg, trong thời gian còn làm việc ở Tây Ban Nha. Ảnh nhân vật cung cấp
Ở xứ bạch dương, bất chấp thời tiết lạnh âm độ, chị Tần vừa học vừa làm thêm. Lần đầu về thăm nhà sau hai năm du học, cô con gái đủ tiền sắm cho mẹ bộ bếp gas, thay bếp củi. Sau 6 năm ở Nga, con gái bà Chiến nhận bằng kỹ sư hóa học của Đại học quốc gia Tula.
Người mẹ thở phào khi cuối cùng con gái cũng sắp về nước. Nhưng Tần lại muốn sang Tây Ban Nha du học để nuôi lớn giấc mơ đổi đời của mẹ. ''Tôi khóc, bảo con học từng đấy đủ rồi, về lấy chồng mẹ bế cháu cho, mà nó không chịu'', bà Chiến nhớ lại.
Cuối tháng 11/2010, chị Tần sang Tây Ban Nha học tiến sĩ do chính phủ nước này tài trợ 100% học bổng.
Tần đến vùng đất mới khi tiếng Anh không sõi, tiếng Tây Ban Nha gần như không biết. Bà Elvira Oporto, ở TP Ovidedo, vùng Asturia, chủ trọ của Tần khi đó, kể lần đầu tiên gặp bà nói ''Buenos días" (Xin chào), cô gái Việt Nam lại đáp ''Adios" (Tạm biệt).
''Nhưng cô ấy đã học tiếng và hòa nhập nhanh với cuộc sống ở đây. Tần chăm chỉ, vừa học, vừa đi dạy thêm'', bà Elvira nói.
Khi luận án tiến sĩ đạt loại xuất sắc cũng là lúc cô gái Việt Nam muốn gắn bó với nơi này. Có điều tìm việc ở Tây Ban Nha không dễ, khi vẫn có 30% lao động ở nước này thất nghiệp. Thay vì đi rải hồ sơ, chị Tần ứng tuyển chương trình kỹ sư tài năng chuyên ngành vật liệu cho Arcelormittal, một tập đoàn thép hàng đầu thế giới.
Số ứng viên nộp hồ sơ lên đến 3.000 người, tỷ lệ 1 chọi 100 và phải qua 7 vòng tuyển chọn. Cô gái Việt Nam lần lượt vượt qua từng vòng và lọt nhóm 60 ứng viên vào vòng cuối. Ở đây, sẽ có 50% ứng viên được chọn.
Trong vòng phỏng vấn cuối, Tần được hỏi rất nhiều thông tin cá nhân. Bằng vốn tiếng Tây Ban Nha thành thạo, con gái bà Chiến kể về gian bếp nhà mình, về nồi rượu và về người mẹ đội rượu đi bán rong giữa trưa nắng chang chang ở quê nhà và niềm thôi thúc chị theo đuổi con đường trở thành một chuyên gia hóa học. ''Nhận kết quả trúng tuyển, tôi hạnh phúc hơn cả đạt học bổng tiến sĩ'', chị nói.
Trong những năm làm việc tại Arcelormittal, chị Tần đóng góp cho tập đoàn 15 sáng chế về lĩnh vực vật liệu, xử lý bề mặt và được hưởng mức đãi ngộ hấp dẫn.
Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, năm 2017, tiến sĩ Vũ Thị Tần quyết định bỏ lại mọi thứ ở Tây Ban Nha, về nước.
''Mỗi lần về thăm nhà rồi chia tay, mẹ chẳng khóc được nữa, chỉ im lặng và thở dài. Nhìn ánh mắt mẹ, tôi biết mẹ mong con về lắm'', chị Vũ Thị Tần, hiện là giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, nói.
Chị Tần (phải) chụp ảnh lưu niệm cùng mẹ (trái) và vợ chồng bà Pilar Gonzaler Boixo, nhân dịp ông bà sang Việt Nam thăm chị, năm 2024. Ảnh nhân vật cung cấp
Đi khắp các quốc gia, trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau, ở tuổi 30, chị lại muốn trở về báo hiếu cho cha mẹ và xây dựng tổ ấm của riêng mình. Không chỉ vậy, chị Tần muốn tạo sản phẩm mang thương hiệu Việt, có ích cho cộng đồng.
Năm 2021, khi Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp đóng cửa lại là lúc tiến sĩ Tần quyết định khởi nghiệp, cùng một người bạn mở công ty sản xuất sản phẩm là chất tẩy rửa hữu cơ, 95% thành phần từ thiên nhiên. Các sản phẩm đều do chị Tần tự tay nghiên cứu.
Hiện tại, gian bếp mái ngói phủ rêu của mẹ Tần đã được các con sửa sang khang trang. Chị Tần cũng khuyên mẹ bỏ nấu rượu, làm ruộng để dưỡng già, nhưng ông bà không chịu.
''Là nông dân thì không thể để ruộng bỏ không được'', ông Thi nói khi đang chăm đàn gà, để bà Chiến ra đồng làm cỏ.
Phạm Nga
Đăng thảo luận