TTO - Trong năm 2016, nhiệt độ trung bình ở đất liền trên toàn cầu và trên các bề mặt đại dương cao hơn khoảng 1,1 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.
Các hoạt động của con người đang tiếp tục khiến lượng khí nhà kính tăng làm Trái đất ngày càng nóng bức - Ảnh: Leung Ka Wa |
Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) ngày 18-1 công bố năm 2016 là năm nóng nhất kể từ khi các chuyên gia bắt đầu thu thập và ghi chép dữ liệu về nhiệt độ trung bình của Trái đất vào năm 1880.
Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp nhiệt độ trung bình của Trái đất đạt mức cao kỷ lục, theo dữ liệu từ WMO, Cơ quan Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Theo WMO, trong năm 2016, nhiệt độ trung bình ở đất liền trên toàn cầu và trên các bề mặt đại dương cao hơn khoảng 1,1 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.
Các nhà khoa học khí hậu nói khí thải gây hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân chính đẩy nhiệt độ toàn cầu tăng. Chính con người đã làm tăng lượng khí thải này khi không ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch và chặt phá rừng.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến nhiệt độ toàn cầu năm 2016 là sự ấm lên bất thường của Bắc Cực. Theo các phân tích, Bắc Cực đang ấm lên gấp 2 lần trước đây và tình trạng tan băng liên tục trên biển đã làm thay đổi thời tiết, khí hậu và sự lưu thông của các đại dương ở nhiều nơi trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu nhận định năm 2017 có thể không phá kỷ lục về độ nóng, nhưng sẽ là một trong 5 năm nóng nhất.
"Hậu quả do các hoạt động của con người đối với khí hậu không còn khó thấy nữa mà đã rõ như ban ngày. Lũ lụt kỷ lục, hạn hán, siêu bão và cháy rừng... đang ảnh hưởng lên chúng ta và hành tinh của chúng ta", ông Michael Mann - giám đốc Trung tâm khoa học Trái đất tại ĐH bang Pennsylvania nói.
Theo các nhà khoa học, chỉ khi thế giới nỗ lực cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thì mới mong nhiệt độ Trái đất không tiếp tục tăng.
Đăng thảo luận