Nhiều giáo viên sau khi hết giờ dạy đã xung phong ở lại trường để cùng đồng nghiệp nấu cơm dành tặng bà con đến trường sơ tán tránh mưa lũ.

Trường học trở thành nơi sơ tán: Thấm đẫm tình người trong mưa lũ  第1张

Trường tiểu học Phúc Tân nước ngập quá đầu gối nhưng vẫn chuẩn bị những phòng học tầng 2 để chào đón người dân xung quanh đến tránh trú - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Khi nước lũ trên sông Hồng dâng cao khiến một số khu vực tại Hà Nội bị ngập sâu trong nước, người dân buộc phải sơ tán đến khu vực an toàn, lúc này nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã phối hợp cùng chính quyền địa phương mở cổng đón người dân đến sơ tán.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, mặc dù Trường tiểu học Phúc Tân nằm trong khu vực nước lũ dâng phủ trắng cả một vùng, đường vào trường có chỗ ngập ngang bụng, thế nhưng nhà trường vẫn chuẩn bị các phòng học tại tầng 2 để sẵn sàng chào đón người dân ở vùng ngập lụt vào sơ tán.

Là người dân đầu tiên vào sơ tán tại trường, bà Bùi Bích Sơn, 70 tuổi, cho biết bà ở Quảng Ninh, nhưng mấy ngày qua xuống Hà Nội thăm gia đình em trai tại phường Phúc Tân đúng đợt bão số 3 nên mắc kẹt lại Hà Nội.

Trường học trở thành nơi sơ tán: Thấm đẫm tình người trong mưa lũ  第2张

Bà Sơn tạm tránh trú tại Trường tiểu học Phúc Tân để đảm bảo an toàn - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Đến 10h sáng 11-9, nước sông Hồng dâng cao khiến tầng 1 trong nhà bị ngập tới quá đầu gối, bà Sơn được các cháu cho ngồi lên thuyền và đẩy đi sơ tán để bảo đảm an toàn.

"Tôi thấy những cán bộ trong trường rất nhiệt tình. Buổi trưa vừa tới nơi, nhân viên trong trường đã đưa tôi lên bếp ăn của nhà trường để ăn trưa và dặn dò khi nào đói thì có thể lên bếp ăn nấu thêm mì tôm. Sau khi ăn trưa anh em còn mang bánh kẹo, hoa quả lên cho tôi ăn.

Vào lúc khó khăn như thế này mà nhận được sự quan tâm nhỏ thôi cũng là quá may mắn, đó là tình người trong mưa lũ", bà Sơn nói.

Trường học trở thành nơi sơ tán: Thấm đẫm tình người trong mưa lũ  第3张

Trường tiểu học Thụy Phương chuẩn bị hàng trăm chỗ ở cho người dân đến sơ tán - Ảnh: Nhà trường cung cấp

Tại quận Bắc Từ Liêm, từ chiều 10-9, Trường tiểu học Thụy Phương đã sắp xếp lại phòng thể chất, chuẩn bị chăn chiếu và các điều kiện sẵn sàng đón khoảng 100 người dân vùng bị ảnh hưởng của bão lũ tới sơ tán.

Tối 11-9, sau giờ học, các thầy cô giáo trong trường đã chung tay nấu cơm gửi tặng người dân, trong đó có cả người già và trẻ nhỏ tới trường tránh trú, hy vọng bà con ăn ngon miệng, đủ sức khỏe.

Trường học trở thành nơi sơ tán: Thấm đẫm tình người trong mưa lũ  第4张Trường học trở thành nơi sơ tán: Thấm đẫm tình người trong mưa lũ  第5张Trường học trở thành nơi sơ tán: Thấm đẫm tình người trong mưa lũ  第6张

Giáo viên chung tay nấu những suất cơm gửi tặng người dân đến trường ở tránh mưa lũ - Ảnh: Nhà trường cung cấp

Tương tự, Tại Trường THCS Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm), nhà trường bố trí riêng tầng 4 khu bán trú làm chỗ ở tạm cho khoảng 150 người. Đặc biệt, các phòng đều có điều hòa, giường tầng, chăn, màn và khu vệ sinh.

Trường học trở thành nơi sơ tán: Thấm đẫm tình người trong mưa lũ  第7张

Trường THCS Đức Thắng chuẩn bị các phòng tránh trú cho học sinh, phụ huynh và người dân địa phương về tránh ngập lụt - Ảnh: Nhà trường cung cấp

Trường tiểu học Đông Ngạc A (quận Bắc Từ Liêm) cũng đã tổ chức "mái nhà chung ấm áp trong cơn bão", theo đó nhà trường đã chuẩn bị một nhà thể chất và bốn phòng học được trang bị đầy đủ nước uống, thực phẩm như mì tôm, lương khô, sữa, bánh ngọt và các nhu yếu phẩm khác để chào đón bà con đến sơ tán tránh mưa lũ.

Trường THCS Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm) thông tin từ hôm qua, trường đã dành thư viện và phòng bán trú với sức chứa khoảng 200 người, sẵn sàng đón người dân đến tránh trú. Ngoài ra, trường cũng chuẩn bị gạo, nước, mì tôm. Các thầy cô, nhân viên nhà trường cũng tổ chức nấu ăn cho bà con lưu trú.

Trước đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, đồ dùng, nước uống và thực phẩm thiết yếu, sẵn sàng đón các hộ dân vào tránh trú tại trường học khi các địa phương tiến hành di dời dân, đảm bảo an toàn.