Mô hình trồng dược liệu dưới tán cây rừng hiện là giải pháp bảo vệ tài nguyên rừng hiệu quả cũng như bảo tồn cây thuốc quý, mở ra hướng phát triển sinh kế mới cho người dân ở xã Phước Tân, huyện Bác Ái (Ninh Thuận).
Vùng đất đồi rộng khoảng 40ha ở thôn Trà Co được "hồi sinh" bởi những cây rừng tự nhiên, đan xen là những cây dược liệu quý cho hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: DUY NGỌC
Những ngày giữa tháng 10, phóng viênTuổi Trẻ có dịp ghé đến khu đất đồi rộng khoảng 40ha ở thôn Đá Trắng, xã Phước Tân (huyện Bác Ái), đây là vùng đất xưa nay vốn khô cằn, trơ trọi, thời tiết khắc nghiệt, khó có thể làm ăn sinh sống, nơi đây cây cối cũng không phát triển, đất chỉ có đá với sỏi.
Nhưng từ năm 2020 đến nay, vùng đất cằn cõi này đã "hồi sinh" bởi những cây rừng tự nhiên, đan xen là những cây dược liệu quý cho hiệu quả kinh tế cao.
"Hồi sinh" vùng đất khô cằn
Dẫn chúng tôi mục sở thị vườn cây dược liệu đang phát triển xanh tốt dưới những tán cây rừng, ông Lê Đức Toàn - phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Green Herbs - kể vùng đất ở thôn Đá Trắng được ví von là vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi".
Vùng đất ở thôn Trà Co được ví von là vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi".
"Những năm đầu về đây mua đất để đầu tư phát triển mô hình trồng cây dược liệu, người thân ai cũng khuyên ngăn. Nhưng với quyết tâm xây dựng một khu trồng dược liệu có giá trị kinh tế cao bản địa, tôi và nhiều anh em khác đã ngày đêm bám đất để hồi sinh vùng đất khô cằn" - anh Toàn kể.
Hướng đi mới phát triển cây dược liệu xáo tam phân
Vai trò của công nghệ sinh học trong nghiên cứu nấm ăn, nấm dược liệu
"Do nơi đây là vùng đất chỉ sỏi đá nên không thể dùng máy móc được, nên hằng ngày tôi cùng các anh em phải dùng cuốc, xẻng… đi đào từng lỗ nhỏ để trồng từng loại cây dược liệu bản địa, cũng như những cây dược liệu di thực từ vùng đất khác tới.
Mặc dù ở đây đất khô cằn nhưng đổi lại có thời tiết phù hợp để các cây dược liệu phát triển" - ông Toàn nói.
Vườn dược liệu phát triển xanh tốt - Ảnh: DUY NGỌC
Ông Toàn chia sẻ: "Sau nhiều năm bám đất, đến nay vùng đất khoảng 40ha đã được hồi sinh bởi những mảng xanh của những tán cây rừng và phủ xanh bởi hàng ngàn cây dược liệu có tiềm năng có giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, tại vườn dược liệu đang chăm sóc các cây được tái sinh từ hạt, ươm trồng và trồng bổ sung các cây gỗ bản địa như căm xe, cây hương... di thực trồng cây lim xanh.
Mục đích tạo hệ sinh thái xanh mát, tạo môi trường sống cho các cây dược liệu sống dưới tán cây như xáo tam phân, sâm cau, sâm bố chính, sa nhân tím".
Theo ông Toàn, thời gian qua do vấn nạn phá rừng, cộng với việc thu hái tận diệt đã dẫn tới các loại dược liệu quý như xáo tam phân, sa nhân tím, sâm cau... dần cạn kiệt.
"Mục đích của chúng tôi khi làm mô hình trên nhằm mục đích bảo tồn và giữ được giống cũng như nguồn gene các loại dược liệu quý" - ông Toàn nói.
Công nhân thu hoạch hạt cây dong riềng đỏ, đây là cây dược liệu được di thực từ tỉnh Bắc Kạn vào vùng đất thôn Trà Co - Ảnh: DUY NGỌC
Bà con đồng bào RagLai có thu nhập ổn định nhờ chăm sóc cây dược liệu
Trong quá trình đi tham quan vườn dược liệu, chúng tôi tình cờ gặp ông Pi Năng Phong người đồng bào RagLai ở thôn Đá Trắng, xã Phước Tân, ông Phong cho biết ngày trước đi làm thuê, làm mướn ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng, gia đình thiếu ăn, thiếu mặc. Nhưng từ ngày làm công nhân chăm sóc cây dược liệu hằng tháng anh có nguồn thu nhập ổn định.
"Hiện nay lương của tôi mỗi tháng cũng được 5 triệu đồng, công việc ở đây cũng nhàn không vất vả như trước đây. Nhờ công việc này mà gia đình có của ăn, của để, con cái được học hành đầy đủ" - ông Phong hồ hởi nói.
Ông Pi Năng Phong đang chăm sóc cây xáo tam phân được 5 năm tuổi - Ảnh: DUY NGỌC
Cùng chung niềm vui ông Phong, ông Chamalés Điếu nói: "Hiện nay lương hằng tháng của tôi cũng được 7 triệu đồng. Công việc chủ yếu của tôi là trồng và chăm sóc các loại cây dược liệu. Có thu nhập ổn định vợ con cũng được no đủ, không giống như lúc trước là ăn bữa nay phải chạy lo bữa mai".
Ngoài ông Phong, anh Điếu hiện nay tại vườn dược liệu này cũng đang có khoảng 10 lao động là người địa phương đang theo làm những công việc khác nhau với mức thu nhập ổn định từ 3 - 7 triệu đồng/tháng.
Ông Chamalés Điếu thu hoạch hạt của cây dong riềng - Ảnh DUY NGỌC
Anh Lê Đức Toàn - phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Green Herbs nói: "Việc xây dựng vùng trồng dược liệu đã tạo công việc với thu nhập ổn định, hướng dẫn bà con từng bước làm việc giờ giấc đúng đủ, tạo thói quen sinh hoạt khoa học, đồng thời cũng hướng dẫn chỉ bảo tận tay các công việc như chăm sóc cây, trồng cây, bón phân theo khoa học kỹ thật, từng bước nâng cao nhận thức ý thức lao động cũng như chuyên môn cơ bản nhất cho bà con RagLai đang làm việc trong vùng dược liệu".
Cây xáo phát triển xanh tốt dưới tán cây rừng. Xáo tam phân là cây dược liệu bản địa ở khu vực Nam Trung Bộ, tìm thấy nhiều ở Ninh Thuận và Khánh Hòa - Ảnh: DUY NGỌC
Hạt của cây dong riềng hỗ trợ tốt về tim mạch - Ảnh: DUY NGỌC
Thầy thuốc ưu tú Đinh Công Bảy - tổng thư ký Hội Dược liệu Việt Nam nói: "Tôi đến vườn dược liệu thôn Đá Trắng từ những ngày đầu và gắn bó với nó đến ngày hôm nay. Theo nhận định của tôi thì đây là một mô hình có ý nghĩa về mặt phát triển các loại cây thuốc có giá trị, đúng với yêu cầu của Chính phủ và ngành y tế hiện nay.
Đóng góp một phần cho sự phát triển kinh tế, giúp giải quyết một số vấn đề thiết thực của địa phương. Các cây thuốc ở vườn dược liệu Trà Co có tiềm năng rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe, và đem lại giá trị kinh tế không nhỏ. Đó là điều mà tôi tâm đắc và vui lòng ủng hộ, tư vấn về mặt chuyên môn trong khả năng của mình.
"Tôi tin rằng, với quyết tâm của ban điều hành cùng với sự đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo địa phương, vườn dược liệu này sẽ thành công và là một điểm son cho ngành dược liệu cũng như sự phát triển của địa phương huyện Bác Ái" - thầy thuốc ưu tú Đinh Công Bảy nói.
Đăng thảo luận