Hôm qua 11-9, ghi nhận tại nhiều địa phương, những chuyến hàng cứu trợ mang theo triệu tấm lòng của người dân cả nước đã hướng về vùng lũ các tỉnh phía Bắc, chia sẻ với bà con đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Triệu tấm lòng đã hướng về vùng lũ  第1张

Hai phụ nữ ở làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai với nỗi đau mất người thân - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tất cả cùng mong ước mưa sớm tạnh, lũ sớm rút để bà con có thể nhanh chóng khôi phục cuộc sống thường ngày dù sau đó, nhiều bà con xem như phải bắt đầu lại cuộc sống từ con số không.

Bạn đọc Tuổi Trẻ: "Cầm lòng không đặng"

Tính đến chiều 11-9, thông qua cầu nối là báo Tuổi Trẻ, đã có hơn 1.500 lượt bạn đọc cá nhân và tổ chức ủng hộ hơn 3,2 tỉ đồng cho bà con vùng bão lũ.

Từ sáng sớm 11-9, anh Nguyễn Minh Thọ (34 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ ủng hộ cho đồng bào miền Bắc 200 triệu đồng. Bộ quần áo mặc trên người còn lấm lem vì đang đi lắp máy lạnh cho khách hàng, chàng trai trẻ là giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ điện lạnh Kim Phát chia sẻ: "Tôi quê Quảng Ngãi, vùng tôi bão lũ nhiều như cơm bữa nên không còn lạ gì cảnh này. Nhưng thấy bà con mình ngoài đó bị nước lũ bủa quanh vẫn cầm lòng không đặng".

Hơn 14h cùng ngày, ông Lê Minh Bằng (57 tuổi) ghé vào tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Ông vừa chạy xe máy hơn 70km từ TP Mỹ Tho (Tiền Giang) lên. "Tôi đi từ 10h30, trưa có dừng nghỉ một chút ăn cơm rồi đi tiếp. Bữa trước con gái tôi từ Mỹ điện về nói góp giùm con chút đỉnh ủng hộ bà con", ông Bằng kể. Nghe con nói và mấy hôm nay theo dõi những tin tức mất mát đau lòng, ông quyết định chạy xe lên TP.HCM để gửi gắm số tiền 15 triệu đồng. "Thấy bà con bị trôi nhà trôi cửa trôi hết tài sản rất là thương. Tôi đóng góp vầy chỉ là một hạt cát trong sa mạc thôi, vì khả năng của mình tới đó", ông Bằng bày tỏ.

Trong khi đó, ông Ngô Văn Năm (68 tuổi, ngụ quận 10) chạy xe máy đem số tiền 1,5 triệu đồng dành dụm, rồi trao cho báo Tuổi Trẻ. Gương mặt lấm tấm mồ hôi và mái tóc đã hoa râm, ông cho biết mấy ngày nay đọc những tin tức bão lũ, sạt lở, vùi lấp những đồng bào ở bản làng miền núi, người dân mất cửa mất nhà khổ quá, ông không kìm được xúc động.

Chiều cùng ngày, Công ty CP giải pháp kỹ thuật Việt (VTS) đã đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ trao số tiền 234,1 triệu đồng. Ông Nguyễn Trung Kiên (giám đốc công ty) cho biết ông và ban lãnh đạo công ty đã quyết định trích quỹ công ty 200 triệu đồng, cộng thêm số tiền ủng hộ từ cán bộ nhân viên.

Trước đó sáng 11-9, Công ty cổ phần dây cáp điện Daphaco đã đến gửi gắm "nhịp cầu" Tuổi Trẻ 30 triệu đồng. Chị Nghê Thị Tường Vy, chủ tịch công đoàn công ty, nói ai cũng xót xa trước cảnh bà con miền Bắc đối mặt với lũ lớn và mong góp một phần nhỏ để giúp đỡ bà con.

Cùng ngày, đại diện Công ty cổ phần Organica đã đến ủng hộ 50 triệu đồng. Đại diện công ty cho biết một cơ sở của công ty ở Hà Nội cũng vừa bị thiệt hại nặng nề do bão lũ nên rất hiểu những khó khăn của bà con, muốn góp thêm chút tấm lòng giúp miền Bắc nhanh chóng vượt qua.

Thông qua các kênh thông tin của Thành Đoàn TP.HCM, đại diện Công ty TNHH Weset English Center đã đến báo Tuổi Trẻ ủng hộ 50 triệu đồng. Cùng đi, các thành viên trẻ của công ty bày tỏ sự xúc động khi xem các tin bài về thiệt hại do bão lũ gây ra. Tập thể công ty hy vọng với sự hưởng ứng nhiệt tình từ khắp nơi, bà con vùng lũ sẽ sớm vượt qua khó khăn.

Triệu tấm lòng đã hướng về vùng lũ  第2张

Quà của bạn đọc báo Tuổi Trẻ đến tay người dân vùng lũ tại xã Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái - Ảnh: NAM TRẦN

Mang tấm lòng bạn đọc đến người dân lòng hồ thủy điện

Chiều 11-9, những suất quà cứu trợ khẩn cấp từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã đến được với người dân huyện Yên Bình đang sinh sống quanh khu vực lòng hồ thủy điện Thác Bà (tỉnh Yên Bái). Để đến được với người dân nơi đây, đoàn cứu trợ đã phải vượt qua hàng giờ đồng hồ với nhiều điểm đường sá bị chia cắt, ngập úng, nhiều lần di chuyển bằng thuyền, sau đó tăng bo phà mới đến được nơi tập kết.

Tại trụ sở UBND xã Yên Bình (huyện Yên Bình), có 7 hộ dân đang tạm tránh trú. Ông Nguyễn Doãn Hợp (66 tuổi) nói cả nhà bắt buộc phải di dời để chống bão lũ, nhất là nhà có đông người. "Sinh sống ở khu vực hồ thủy điện Thác Bà bao năm nay, chưa bao giờ có trận mưa lũ như thế này", ông Hợp kể lại.

Chiều 11-9, khi nước lũ tạm rút bớt một chút, họ mới hoàn hồn trở về lại thôn, có người dân vẫn chưa dám quay về nhà đành trú tạm ở nhà hàng xóm. Vừa trở về nhà, họ được nhận ngay những suất quà cứu trợ khẩn cấp từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ, trong đó cần thiết nhất là nhu yếu phẩm, áo phao, đèn pin...

Đôi chân vẫn còn lấm lem bùn đất, gương mặt đẫm mồ hôi, thở hổn hển sau nhiều lần chạy trốn lũ trên đồi cao, bà Đỗ Lệ Thủy (64 tuổi) kể lại hai đêm nay bà con thôn Bỗng không chợp mắt nổi, ai ai cũng lo lắng vì sợ tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp. Do đó bà Thủy cùng người dân phải tháo chạy lên đồi cao nhất của thôn để tránh nước lũ dâng cao. Bà kể đêm tối trời vừa mưa, vừa chạy vừa bò lên, xung quanh cây cối rậm rạm, cứ thế mà lặn lội.

"Về đến đây rồi, nghe các bác nói thấy yên tâm hơn nhưng vẫn chưa dám vào nhà đâu vì nhà mình ở dưới vùng thấp, cứ ở nhà hàng xóm tạm tránh đã vì sợ nước lũ lại về", bà Thủy nói.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Trường, phó bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Yên Bình, cho biết từ khi có thông tin có thể có tình huống xấu xảy ra, công tác di dời người dân ở khu vực lòng hồ thủy điện Thác Bà được triển khai nhanh chóng. Trong đó, quanh khu vực hồ thủy điện Thác Bà có 5 xã ảnh hưởng trực tiếp với 23.000 dân, do đó phải có phương án di dời bà con đến nơi an toàn.

"Theo dự báo đến thời điểm này hồ thủy điện Thác Bà đã an toàn nhưng chúng tôi vẫn không thể lơ là, vẫn cảnh giác và không chủ quan được", ông Trường cho biết.

Ngành y cũng huy động toàn bộ lực lượng

Tại các tỉnh thành Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Nội... các bệnh viện liên tục báo động đỏ, tập trung ứng cứu người bệnh bị thương. Trong đó, nhiều nạn nhân bị thương nặng, sang chấn tâm lý sau khi bị lũ cuốn, vùi lấp. Trong mưa lũ, các bệnh viện luôn túc trực cấp cứu 24/24 giờ, đồng thời phối hợp với các bệnh viện, tuyến chuyên môn phù hợp với tình hình thực tế.

Những ngày qua, khi liên tiếp nhận thông tin sạt lở, lũ cuốn, ông Hoàng Quốc Hương, giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai, đã trực tiếp có mặt tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên chỉ đạo, hỗ trợ ứng cứu các nạn nhân bị lũ quét. Đồng thời, huy động các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng đến hỗ trợ. Các bệnh viện nỗ lực phối hợp, tăng cường để tiếp nhận điều trị cho các nạn nhân.

Tại Yên Bái, những nạn nhân được lực lượng cứu hộ tìm thấy, ngay khi được đưa ra khỏi khu vực sạt lở lập tức được cấp cứu, điều trị. Do chia cắt bởi lũ lụt, sạt lở khiến việc chuyển tuyến điều trị khó khăn, bởi vậy các bệnh viện liên tục kết nối, hội chẩn từ xa để cứu chữa người bệnh.

Tại Hà Nội, những ngày này, phòng họp kết nối các cầu truyền hình trực tiếp của Bệnh viện Việt Đức luôn sáng đèn. Ông Dương Đức Hùng, giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết cầu truyền hình trực tuyến của bệnh viện luôn mở 24/24 giờ để triển khai hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn các trường hợp cấp cứu, trường hợp người bệnh nặng tại các vùng đang phải oằn mình trong mưa lũ, sạt lở.

Chẳng hạn chiều 11-9, các y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận điều trị trường hợp nam bệnh nhân bị đa chấn thương trú tại làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) được chuyển đến cấp cứu từ Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên. Đồng thời, bệnh viện cũng trực tiếp hội chẩn cấp cứu từ xa, tiếp nhận và điều trị nạn nhân thuộc khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Lạng Sơn...

Còn tại Bệnh viện K, bệnh viện cũng tăng thêm giường, miễn phí lưu trú cho người bệnh, người nhà người bệnh trong những ngày bão lũ xảy ra. Ông Nguyễn Bá Tĩnh, trưởng phòng công tác xã hội bệnh viện, cho biết nhiều bệnh nhân ở các tỉnh chịu thiệt hại do bão lũ mất nhà cửa, tài sản nên gặp nhiều khó khăn. Bệnh viện đã thống kê và trao phần hỗ trợ hơn 170 triệu đồng cho 115 bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 đang điều trị tại bệnh viện. Đồng thời, phòng công tác xã hội cũng kêu gọi các nhà hảo tâm tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân.

Những hỗ trợ quốc tế đầu tiên

Triệu tấm lòng đã hướng về vùng lũ  第3张

Lô hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên của Úc được chuyển đến trong ngày 11-9 - Ảnh: Đại sứ quán Úc tại Việt Nam

Ngày 11-9, trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội dẫn tuyên bố của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Kanpper, cho biết Mỹ sẽ cung cấp 1 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp cho các nỗ lực ứng phó của Việt Nam sau bão số 3 (bão Yagi). Chính phủ Mỹ, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), sẽ cung cấp khoản hỗ trợ này.

Cùng ngày, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam thông báo nước này sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ ban đầu trị giá 3 triệu AUD và khoản viện trợ này chỉ là ban đầu. Một lô hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên của Úc, gồm dụng cụ vệ sinh cá nhân, bếp, sửa chữa nhà cửa... cũng được chuyển đến trong ngày 11-9.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cũng cho biết hiện Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang xem xét tích cực việc hỗ trợ vật tư phục vụ công tác khắc phục hậu quả cơn bão trên cơ sở nhu cầu của phía Việt Nam.T.HIỀN

Đã đăng ký ủng hộ 417,983 tỉ đồng

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã có rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước đã đăng ký và ủng hộ thông qua Ban vận động cứu trợ trung ương. Tính đến 17h ngày 11-9 các tổ chức, cá nhân đã đăng ký và ủng hộ tổng số tiền 417,983 tỉ đồng, trong đó số tiền đã chuyển về tài khoản của Ban vận động cứu trợ trung ương là 285,633 tỉ đồng.

Ban vận động cứu trợ trung ương đang tiếp tục cập nhật và sẽ thông báo cụ thể danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

179 người chết,145 người mất tích (tính đến 17h30 chiều 11-9, theo Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai - Bộ NN&PTNT)