Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 8, các Bộ trưởng khẳng định tiếp tục ưu tiên hợp tác quản lý nguồn nước sông Mekong - Lan Thương và ủng hộ Việt Nam tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Nguồn nước MLC lần thứ hai.
Sông Mekong dài 4.880km và là nguồn nuôi sống hơn 326 triệu người ở 6 quốc gia gồm: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan.
Thượng nguồn sông MekongTrong bối cảnh lưu vực sông Mê Công đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng do tình hình tăng cường khai thác sử dụng nước và hiện tượng biển đổi khí hậu càng rõ nét trên toàn lưu vực, xu thế gia tăng hợp tác và phát triển của khu vực, các siêu cường liên tục tăng cường ảnh hưởng tại khu vực địa chính trị quan trọng này, nhiều cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mê Công liên quan tới tài nguyên nước đã được đề xuất và có nhiều bước phát triển quan trọng trong thời gian qua.
Mục tiêu bao trùm của hợp tác Mekong-Lan Thương là thúc đẩy hợp tác toàn diện để xây dựng cộng đồng trách nhiệm và lợi ích chung ở tiểu vùng. Ngoài ra, hợp tác Mekong-Lan Thương còn hướng tới mục tiêu khác bao gồm củng cố lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, duy trì hòa bình và ổn định; thúc đẩy phát triển bền vững, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, hội nhập toàn diện vào kinh tế khu vực và toàn cầu; tăng cường tình hữu nghị, quan hệ láng giềng tốt giữa nhân dân các nước.
Theo đó, 6 nước sẽ cùng thúc đẩy hợp tác trên ba trụ cột là chính trị-an ninh, kinh tế và phát triển bền vững, văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân. Các nguyên tắc cơ bản của hợp tác là đồng thuận, bình đẳng, phối hợp, tham vấn lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp, chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Hợp tác Mekong-Lan Thương sẽ đặt trọng tâm vào 5 lĩnh vực ưu tiên là quản lý tài nguyên nước, kết nối, hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.
Ủng hộ Việt Nam tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Nguồn nước MLC lần thứ hai
Hôm 7/12, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ 8 đã diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao và đại diện các nước thành viên hợp tác MLC.
Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh MLC là cơ chế xuất phát từ người dân, vì người dân, và đề xuất hợp tác MLC hỗ trợ chiến lược phát triển của các nước thành viên.
Các Bộ trưởng hoan nghênh việc triển khai những dự án, chương trình trong các lĩnh vực ưu tiên về kết nối, năng lực sản xuất, kinh tế qua biên giới, quản lý nguồn nước, nông nghiệp và xoá đói giảm nghèo.
Các Bộ trưởng đánh giá cao những tiến triển đạt được trong hợp tác quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong-Lan Thương, trong đó có việc triển khai thoả thuận giữa sáu nước về chia sẻ dữ liệu thuỷ văn cả năm và các nghiên cứu chung về dự báo lũ lụt, phòng chống thiên tai.
Các Bộ trưởng đánh giá cao Quỹ Đặc biệt Mekong-Lan Thương đã hỗ trợ các nước thành viên thực hiện hơn 700 dự án vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực như thương mại, nông nghiệp, du lịch, quản lý nguồn nước, môi trường, y tế, xoá đói giảm nghèo, trao quyền cho phụ nữ.
Trên cơ sở những thành tựu vừa qua, các Bộ trưởng nhất trí thúc đẩy hợp tác MLC theo hướng ưu tiên đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các nước thành viên hiện đại hoá đất nước và tạo thêm động lực mới cho hợp tác tiểu vùng.
Các Bộ trưởng nhất trí nghiên cứu khả năng thành lập Hành lang Đổi mới Sáng tạo Mekong-Lan Thương lấy người dân làm trung tâm, phát triển Vành đai Kinh tế Mekong-Lan Thương, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong phát triển kinh tế, thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch, và tăng trưởng Xanh.
Các Bộ trưởng khẳng định tiếp tục ưu tiên hợp tác quản lý nguồn nước sông Mekong - Lan Thương, đẩy nhanh hoàn thiện Kế hoạch Hành động Hợp tác Tài nguyên Nước MLC giai đoạn 2023-2027 và ủng hộ Việt Nam tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Nguồn nước MLC lần thứ hai trong năm 2024.
Việt Nam coi trọng và tiếp tục đóng góp tích cực
Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia tích cực vào hợp tác Mekong-Lan Thương với nhiều đóng góp về nội dung, lĩnh vực hợp tác, góp phần thúc đẩy hợp tác Mekong-Lan Thương đi vào thực chất.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam coi trọng và tiếp tục đóng góp tích cực cho hợp tác giữa sáu nước.
Nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng tương lai tốt đẹp cho người dân, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã đề xuất 4 nhóm ưu tiên hợp tác như sau:
Thứ nhất, phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, từng bước chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi Số thông qua đối thoại chính sách về kinh tế số và an ninh mạng, hợp tác phát triển nguồn nhân lực số, thành phố thông minh, số hoá các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ (MSMEs) và khuyến khích xây dựng hạ tầng số, ứng dụng công nghệ thế hệ mới trong ngành công nghiệp sản xuất.
Thứ ba, bảo vệ môi trường và chuyển đổi tăng trưởng Xanh thông qua tăng cường hợp tác phát triển nền kinh tế xanh tuần hoàn sinh học, năng lượng sạch và tái tạo, phát triển nông nghiệp thông minh, đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Kế hoạch Hành động Hợp tác Tài nguyên Nước MLC giai đoạn 2023-2027, mở rộng phạm vi chia sẻ dữ liệu khí tượng, thuỷ văn và vận hành đập, tăng cường phối hợp giữa MLC và Ủy hội sông Mekong.
Thứ tư, thúc đẩy hợp tác thương mại, xây dựng chuỗi cung ứng thông minh, hỗ trợ kết nối MSMEs với các doanh nghiệp đa quốc gia, cải cách môi trường đầu tư.
Nền tảng liên chính phủ để thúc đẩy quản lý nước ở khu vực sông Mekong
Hợp tác Mê Công – Lan Thương (MLC), với sự tham gia của sáu nước ven sông là Việt Nam, Campuchia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Trung Quốc, được thành lập tại Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất (tháng 3/2016 tại Tam Á, Trung Quốc) với chủ đề “Cùng chung dòng sông, cùng chung tương lai”.
Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố Tam Á “Vì một cộng đồng chung tương lai hòa bình và thịnh vượng giữa các nước Mê Công – Lan Thương” nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác giữa các nước vì lợi ích chung và tầm quan trọng của sông Mê Công với sự phát triển của Tiểu vùng và cuộc sống của người dân. Tuyên bố xác định khuôn khổ hợp tác trên ba trụ cột về (i) chính trị và an ninh; (ii) kinh tế và phát triển bền vững; (iii) xã hội, văn hóa và giao lưu con người với các phương hướng ưu tiên là kết nối, nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên biên giới, hợp tác quản lý tài nguyên nước, phát triển nông nghiệp và nỗ lực xóa đói giảm nghèo.
Đây là cơ chế hợp tác đầu tiên về tài nguyên nước toàn lưu vực có sự tham gia của tất cả các quốc gia ven sông. Do vậy, MLC sẽ là kênh đối thoại mới với Trung Quốc và các quốc gia Mê Công về vấn đề quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, thúc đẩy các quốc gia thượng nguồn chia sẻ thông tin, công khai hóa các dự án phát triển trên sông Mê Công. MLC cũng chú trọng đảm bảo an ninh nguồn nước, tăng cường hợp tác trong quản lý dòng sông xuyên biên giới và đây là ưu tiên cao nhất không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước thành viên khác.
Kể từ khi thành lập đến nay, cơ chế hợp tác MLC đã tổ chức ba Hội nghị Cấp cao (2 năm một lần, theo cơ chế luân phiên) và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hằng năm.
Đối với lĩnh vực hợp tác tài nguyên nước, Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Tài nguyên nước Mê Công-Lan Thương lần thứ nhất đã được tổ chức vào tháng 12 năm 2019 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Việt Nam đã tham gia tích cực trong việc thúc đẩy thành lập Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Mê Công-Lan Thương; triển khai thực hiện Kế hoạch hành động 5 năm hợp tác tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương (2018-2022); thực hiện Chương trình công tác hằng năm; đề xuất các dự án ưu tiên; cử cán bộ kỹ thuật tham gia các hội thảo khoa học và các khóa đào tạo do Trung Quốc tổ chức và chuyên gia sang làm việc ngắn hạn tại Trung tâm. Thực hiện kinh phí của Quỹ đặc biệt hợp tác Mê Công – Lan Thương, Dự án “Tăng cường năng lực quản lý hạn hán, lũ lụt trên lưu vực Mê Công” do Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất đã được Trung Quốc phê duyệt và dự kiến sẽ triển khai thực hiện vào năm 2021.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương lần thứ nhất, Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương đã ký Thỏa thuận hợp tác với Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Đây là thỏa thuận hợp tác đầu tiên giữa MLC với một cơ chế hợp tác khác. Thỏa thuận sẽ giúp cho một số lĩnh vực hợp tác chính như trao đổi dữ liệu và thông tin, giám sát toàn lưu vực, đánh giá chung về tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan ở sông Mê Công được hiệu quả hơn.
Từ tháng 11/2020 Trung Quốc đã chia sẻ số liệu thủy văn cả năm cho các quốc gia hạ nguồn và Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế về số liệu mực nước theo chế độ giờ và mưa tại hai trạm thủy văn Cảnh Hồng và Mãn An.
Đăng thảo luận