Seong, 35 tuổi, kết hôn đã bốn năm nhưng vẫn luôn áp lực mỗi mùa Chuseok (Trung thu) bởi chuyện phân chia lịch trình về nhà chồng.
Tuần trước, Seong cãi nhau với chồng. Kỳ nghỉ Trung thu ở Hàn Quốc kéo dài bốn ngày (14-18/9). Seong sắp xếp về thăm gia đình chồng ở Daegu từ 14 đến 16/9 sau đó trở lại Seoul làm việc. Do không đặt được vé tàu, họ không ở lại trong ngày Chuseok khiến người chồng không hài lòng.
"Anh ấy nói chúng tôi nên gọi điện xin lỗi bố mẹ và mong họ thông cảm", Seong nói. "Tôi nghĩ ba ngày hai đêm là quá đủ". Trong khi chồng tin rằng sự vắng mặt của họ sẽ làm thay đổi truyền thống dòng họ thì Seong nói mệt mỏi trước mong muốn ưu tiên gia đình chồng của anh.
Khách ở ga Seoul, Hàn Quốc, tháng 9/2024. Ảnh: Korea Herald
Seong không phải là trường hợp hiếm ở Hàn Quốc, nơi các cặp vợ chồng thường căng thẳng chuyện thu xếp lịch trình với gia đình hai bên trong kỳ nghỉ. Điều này dẫn đến việc một số gia đình xem xét từ bỏ truyền thống Chuseok.
Riêng Seong tin rằng thế hệ Millennials và Gen Z không còn quan tâm nhiều đến Trung thu. Suy nghĩ này được minh chứng bằng 60% người ở độ tuổi 20-39 ủng hộ việc bỏ nghi thức thờ cúng charye, theo khảo sát của Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc năm 2022.
Kim, 36 tuổi, là nhân viên ngân hàng kết hôn năm 2017. Vợ anh là người phụ trách việc thờ cúng mỗi mùa Chuseok ở chồng, thuộc tỉnh Gyeongsang. Kim từng chứng kiến vợ khóc trên đường họ trở về Seoul.
"Cô ấy cảm thấy cô đơn và áp lực khi một mình phải chuẩn bị mâm lễ cúng trong nhiều giờ", Kim nói. Vợ anh muốn chồng can thiệp nhưng không thể. Người lớn tuổi trong gia đình mặc định con dâu phải có trách nhiệm.
Năm ngoái, bà nội anh qua đời, gia đình chọn bỏ lễ Chuseok dù bố anh không đồng ý, muốn giữ truyền thống. Để tránh căng thẳng, đến dịp lễ vợ chồng Kim quyết định ra ngoài ăn uống với anh trai.
Giáo sư xã hội học Kwon Soo-hyun, Đại học Quốc gia Gyeongsang, cho biết trẻ em bậc tiểu học được dạy về bình đẳng giới là bước đi đầu tiên. Kwon cho rằng những gì từng được cho là chuẩn mực không phải lúc nào cũng đúng bởi nó có thể thay đổi qua thời gian. Giáo dục thường mở ra cho mọi người ý tưởng để đi theo sự thay đổi chứ không phải chống lại nó.
Giáo sư xã hội học Shin Kyung-ah, Đại học Hallym, nói Hàn Quốc cần phải thúc đẩy các diễn đàn nơi mà đàn ông và phụ nữ ở mọi lứa tuổi có thể tự do trao đổi về truyền thống Chuseok, mang tính ít thiên vị hơn và bền vững hơn.
Ngọc Ngân (Theo Korea Herald)
Đăng thảo luận