Nhiều năm qua, tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm, hỗ trợ toàn diện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với quyết tâm đến năm 2025 sẽ tăng trên 2 lần thu nhập bình quân của người dân so với 2020.
Vùng đất Yên Bái hiện nay là nơi quần cư của 30 dân tộc anh em với dân số trên 780.000 người, trong đó dân tộc Kinh chiếm 54%, dân tộc Tày chiếm 17%, dân tộc Dao chiếm 9,1%, dân tộc Mông chiếm 8,1%, dân tộc Thái chiếm 6,1%.
Theo đánh giá, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn về điều kiện tự nhiên, khả năng tiếp cận dịch vụ, cơ sở hạ tầng, chất lượng nhân lực thấp dẫn đến kinh tế - xã hội chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao…
Trong bối cảnh đó, nhiều năm qua, tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm, hỗ trợ toàn diện cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh cũng đặt mục tiêu cụ thể, với quyết tâm đến năm 2025 sẽ tăng trên 2 lần thu nhập bình quân của người dân so với năm 2020; 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm bằng 1,5 lần so với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh.
Tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm, hỗ trợ toàn diện cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.Một trong những giải pháp mà Yên Bái triển khai là sử dụng linh hoạt, hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh xem đó là nguồn lực đầu tư quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của người dân.
Xây dựng nông thôn mới cũng trở thành điểm sáng của khu vực Tây Bắc với 106/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có nhiều xã đặc biệt khó khăn đã đạt chuẩn nông thôn mới và ra khỏi xã đặc biệt khó khăn như: Bình Thuận, Tú Lệ, Nậm Búng của huyện Văn Chấn; Đại Sơn, Viễn Sơn, Lang Thíp, huyện Văn Yên…
Đặc biệt, một số dự án của chương trình còn cung cấp kiến thức, kỹ năng, góp phần rất lớn trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào về phát triển kinh tế với 6 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 42 dự án hỗ trợ phát sản xuất cộng đồng với tổng kinh phí trên 42 tỷ đồng. Cùng với đó là thành lập các tổ truyền thông cộng đồng, Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi, mô hình Địa chỉ tin cậy, tiến tới bình đẳng giới cho đối tượng phụ nữ và trẻ em; khai thác các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập…
Đăng thảo luận