Đề xuất bảo hiểm y tế chi trả phí điều trị vô sinh hiếm muộn
(Dân trí) - Ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn một triệu cặp vợ chồng bị vô sinh hiếm muộn. Trong đó, rất nhiều cặp vợ chồng không đủ kinh phí để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Tại hội nghị quốc tế "Nâng cao tỷ lệ thành công trong hỗ trợ sinh sản: Khám phá giải pháp tìm đường trong mê cung để đến đích thành công" diễn ra tại Hà Nội ngày 7-8/9, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam cho biết, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng ở nước ta bị vô sinh hiếm muộn.
Tỷ lệ vô sinh hiện ở mức cao do nhiều yếu tố như lối sống, tình trạng lập gia đình muộn, có con muộn. Bộ Y tế ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn một triệu cặp vợ chồng bị vô sinh hiếm muộn, chiếm khoảng 7,7%.
Trong đó, vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.
Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Việt Nam cần có chính sách để bảo hiểm y tế từng bước chi trả cho chi phí điều trị vô sinh hiếm muộn (Ảnh: H.H).
Theo GS Tiến, muốn duy trì mức sinh thay thế, mỗi cặp vợ chồng phải sinh ít nhất hơn 2 con. Tuy nhiên, hiện nay ở một số tỉnh, thành, đặc biệt là TPHCM, Hà Nội, tỷ suất sinh không đạt. Vì vậy, nguy cơ suy giảm dân số rất hiện hữu.
Tình trạng vô sinh hiếm muộn gây ra nhiều hệ lụy rõ ràng. Nhiều cặp vợ chồng không thể có thai, khó có con sẽ khiến số lượng dân số giảm. Có nhiều cặp vợ chồng không đủ kinh phí để làm các phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn.
Tại nước ta, bảo hiểm y tế hiện không hỗ trợ bất cứ kỹ thuật nào trong quy trình điều trị hiếm muộn, trong khi nhiều nguyên nhân đến từ các bệnh lý u buồng trứng, u xơ tử cung, polyp buồng trứng...
Vì thế, ông cho rằng Việt Nam cần có chính sách, chủ trương, đổi mới trong thanh toán bảo hiểm y tế để từng bước đáp ứng nguyện vọng điều trị vô sinh hiếm muộn của người dân, đồng thời góp phần duy trì, ổn định chất lượng và số lượng dân số.
Cụ thể, trước mắt, bảo hiểm y tế nên chi trả cho cả bệnh nhân hiếm muộn nhưng có bệnh lý giống những người khác. Nếu bảo hiểm có khả năng thì cần quan tâm đến đối tượng này trong tương lai.
Ông Alexandre De Muralt chia sẻ bên lề hội nghị (Ảnh: H.H).
Hiện nay, trình độ điều trị vô sinh hiếm muộn của Việt Nam đã tương đương với các nước trong khu vực. Chúng ta có hơn 50 trung tâm có thể thụ tinh ống nghiệm, có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị của bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn.
Thực hiện IVF ở Việt Nam đạt mức thành công cao, 60% số ca chu kỳ IVF có thai lâm sàng.
Trên thế giới, nhiều nước coi hiếm muộn là bệnh lý và dùng bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh nhân. Ví dụ, Pháp cho IVF đến 4 lần, sang lần thứ 5 bệnh nhân mới phải trả tiền.
Tại hội nghị, các chuyên gia cùng thảo luận các chủ đề như kích thích buồng trứng, cá thể hóa điều trị, vô sinh ở nam giới, bảo tồn khả năng sinh sản...
Ông Alexandre De Muralt, Phó Chủ tịch Merck Healthcare châu Á Thái Bình Dương cho biết, đây là cơ hội để cập nhật thông tin về hỗ trợ sinh sản trong khu vực châu Á, với mục tiêu chính là giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn rút ngắn thời gian thụ thai.
Một bộ công cụ chính sách can thiệp thực tiễn mức sinh cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng được giới thiệu. Đây là một phần quan trọng trong dự án Fertility Counts, một sáng kiến nhằm giải quyết các thách thức về kinh tế và xã hội liên quan đến mức sinh thấp trong khu vực.
Đăng thảo luận