Đồng bằng sông Cửu Long đang có nhiều lợi thế nhưng vì sao vốn đầu tư đổ vào vùng này thấp, vì sao số doanh nghiệp thành lập mới không hơn số doanh nghiệp bị 'khai tử'?
Ông Nguyễn Phương Lam - giám đốc VCCI khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - chia sẻ một số thông tin về thu hút đầu tư tại vùng trong những năm qua - Ảnh: CHÍ QUỐC
Chiều 20-9, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp Viện Kinh tế xã hội TP Cần Thơ tổ chức tọa đàm "Thực trạng đầu tư và giải pháp thu hút vốn phát triển cho Đồng bằng sông Cửu Long".
Số doanh nghiệp "khai tử" gần bằng doanh nghiệp "khai sinh"
Báo cáo tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Phương Lam - giám đốc VCCI khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - cho biết vùng này đang có cơ hội lớn về đầu tư bởi Chính phủ đang ưu tiên, nỗ lực và tạo điều kiện cho vùng phát triển, từ ban hành nghị quyết 120 năm 2017 về thích ứng biến đổi khí hậu tới phê duyệt quy hoạch tích hợp vùng.
Về tổng số vốn Chính phủ đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long tăng lên đáng kể: năm 2020 là 65.121 tỉ đồng, năm 2023 là hơn 80.000 tỉ đồng. Đây là tín hiệu cho thấy tỉ lệ vốn của Nhà nước rót vào vùng khá lớn, giúp khu vực này đầu tư tốt hơn về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 10 năm qua vùng Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn bình quân cả nước, chỉ khoảng 11% và "giữ mãi không tăng".
Trong khi đó tổng vốn đầu tư toàn xã hội có sự chênh lệch giữa các tỉnh trong vùng. Địa phương nhiều nhất hiện nay là 35.000 tỉ đồng, ít nhất là 12.000 tỉ đồng.
"Bức tranh này làm Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu có sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, làm cho sự phát triển cả vùng chậm đi.
Về vốn đầu tư từ tư nhân, các doanh nghiệp thành lập mới ở Đồng bằng sông Cửu Long không cao so với các vùng miền khác.
Số liệu năm 2023 cho thấy khi có 15.043 doanh nghiệp thành lập mới thì cũng có tới 14.800 doanh nghiệp rời thị trường, tức cả năm chỉ có 190 doanh nghiệp tham gia thị trường.
"Trong suốt 5 năm qua ghi nhận mỗi năm cả vùng chỉ có chưa đầy 1.500 doanh nghiệp có mặt, bổ sung thêm nguồn vốn, nguồn lực vào xã hội, so với các địa phương khác con số này cực kỳ thấp", ông Lam nói.
Ông Trần Văn Tươi - phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An - chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư của tỉnh - Ảnh: CHÍ QUỐC
Về số doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân, trong khi Đông Nam Bộ là 17,5 doanh nghiệp, Đồng bằng sông Hồng là 10,5 doanh nghiệp, Duyên hải miền Trung nơi chỉ có cát trắng, thiếu điều kiện cũng có 5 doanh nghiệp, trong khi Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 3,2 doanh nghiệp.
Xúc tiến đầu tư bằng "chăm sóc khách hàng" tại chỗ
Tại tọa đàm, ông Trần Văn Tươi, phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An - địa phương thu hút đầu tư tốt nhất Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, đã chia sẻ cách làm của tỉnh để có nhiều dự án đầu tư và gợi mở giải pháp thu hút đầu tư cho cả vùng.
Ông Tươi cho biết ngoài việc đa dạng các hoạt động xúc tiến đầu tư, việc xúc tiến qua "chăm sóc khách hàng" là nhà đầu tư tại chỗ rất quan trọng.
Ông dẫn chứng như một số nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc tại chỗ được "chăm sóc" rất tốt thì những doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc khác đến thăm, hỏi về môi trường đầu tư ở Long An thì chính những doanh nghiệp tại chỗ này là kênh xúc tiến rất hiệu quả.
Ngoài ra theo ông Tươi, việc địa phương đầu tư hạ tầng kết nối với hạ tầng quốc gia mới chỉ là điều kiện cần. Ông cho rằng ngoài việc xúc tiến đầu tư hiệu quả, việc luôn đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho doanh nghiệp là điều rất quan trọng.
Ông Phạm Duy Tín cho rằng cần tạo "luồng xanh" cho doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Phạm Duy Tín, trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, cho biết đa số các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện nay là đất sạch, cho thuê lại nên đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), phòng cháy chữa cháy đạt chuẩn.
"Hiện nay doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu kinh tế thì vấn đề giảm thuế, miễn thuế họ không còn mặn như xưa nữa, mà cái họ cần nhất là thủ tục hành chính phải thông thoáng, nhanh.
Tôi đề nghị có "luồng xanh" trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Đối với các doanh nghiệp thu hút đầu tư như lĩnh vực chip bán dẫn, công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao thì nên miễn cấp giấy phép ĐTM, phòng cháy chữa cháy và giấy phép xây dựng bởi đã có của toàn khu.
Làm 3 thủ tục này khi đã có đất sạch rồi cũng mất gần hai năm. Khi đó thay vì xin - cho thì hướng dẫn nhà đầu tư và dựa vào cam kết chấp hành pháp luật của nhà đầu tư. Mà hướng dẫn thì có cơ chế giám sát, để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư", ông Tín gợi ý.
Đăng thảo luận