Bà Trần Thị Diệu Thúy - phó chủ tịch UBND TP.HCM - yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đổi mới cách tổ chức và hoạt động thư viện trường học, nhằm tạo môi trường cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng trao quyết định đạt chuẩn phổ cập cho TP.HCM - Ảnh: MỸ DUNG
Sáng 3-10, UBND TP.HCM tổ chức lễ khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời với chủ đề "Phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời". Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 của TP.HCM năm nay diễn ra từ ngày 1 đến 7-10.
Tại lễ khai mạc, bà Trần Thị Diệu Thúy - phó chủ tịch UBND TP.HCM - yêu cầu các cơ quan, ban ngành, quận, huyện thực hiện các kế hoạch công việc để hưởng ứng, duy trì và phát triển tinh thần học tập suốt đời.
Theo đó, các cơ quan đơn vị, tổ chức đoàn thể cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về vai trò của văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời.
Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cần đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa các hoạt động thư viện, đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, bà Trần Thị Diệu Thúy yêu cầu sở này phải "đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học, nhằm tạo môi trường cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách như thư viện xanh, thư viện thân thiện, thư viện lưu động…".
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cần đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận các nguồn tài liệu, học liệu, tài liệu tham khảo thông tin ngoài sách giáo khoa để nâng cao chất lượng giáo dục.
Đặt điện thoại xuống, cầm sách lên: Để thói quen đọc sách len lỏi vào mỗi nhà
"Các phường, xã, thị trấn phấn đấu xây dựng cộng đồng học tập. UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cần tích cực triển khai kế hoạch xây dựng xã hội học tập trên địa bàn, nhằm giúp mỗi người xây dựng xã hội ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn" - bà Thúy phát biểu chỉ đạo.
Theo UBND TP.HCM, tuần lễ học tập suốt đời nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Hoạt động của tuần lễ này giúp nâng cao nhận thức của người dân về vai trò phát triển của văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời, mang lại nhiều giá trị cơ hội để tiếp cận tri thức của nhân loại, mở ra cho mọi người cơ hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời, mọi lúc, mọi nơi…
Đặc biệt, trong bối cảnh TP.HCM được UNESCO công nhận là TP học tập toàn cầu, thì việc thúc đẩy học tập suốt đời trong mọi tầng lớp nhân dân vừa là vinh dự, nhưng cũng là trách nhiệm to lớn.
Cũng tại buổi phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, TP.HCM đã được trao quyết định công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 2, các mức độ cao nhất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chuẩn phổ cập và xóa mù này của TP.HCM được đánh giá theo giai đoạn trước ngày 31-12-2023.
Thách thức phát triển văn hóa đọc
Tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đưa ra con số đáng lo ngại trong phát triển văn hóa đọc ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách nhưng trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa, một con số rất thấp.
Trong khi đó, tại Malaysia mỗi năm người dân đọc trung bình 17 cuốn sách; Singapore, Nhật Bản, người dân đọc từ 10 - 20 cuốn sách/năm. Ở Ấn Độ, 25% người trẻ biết chữ đọc sách, 49% người trẻ đọc sách như niềm đam mê.
Không những thế, dù dân số đông nhưng các thư viện tại TP.HCM vẫn ít ỏi. Đến thời điểm năm 2021, TP.HCM chỉ có 27 thư viện công.
"Dù có nhiều tủ sách, quán cà phê sách nhưng TP.HCM nói riêng và cả Việt Nam nói chung vẫn có nhiều thách thức trước việc phát triển văn hóa đọc cho người dân" - ông Thưởng nhận xét.
Đăng thảo luận