Nhiều trường ĐH cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành các quy định cụ thể để nhà trường sớm công bố đề án tuyển sinh
Ông Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết thời điểm này, học sinh khối 12 đã bắt đầu tìm hiểu về tuyển sinh ĐH năm 2025. Một số em đã liên hệ với trường để hỏi về tổ hợp, phương thức xét tuyển… Do kỳ tuyển sinh 2025 có thể có những điều chỉnh về quy chế nên trường chưa thể trả lời ngay cho học sinh.
Nhiều cơ hội nhưng nhiễu thông tin
Từ năm 2015, công tác tuyển sinh ĐH đã từng bước được đổi mới để dần hoàn thiện. Sự đổi mới thể hiện ở 8 vấn đề, gồm: đổi mới tổ chức thi để xét tuyển, phương thức xét tuyển; đổi mới đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển; đổi mới ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng; đổi mới trong quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng; đổi mới trong quy trình xét tuyển và lọc ảo; đổi mới về cơ sở dữ liệu; đổi mới về chỉ tiêu tuyển sinh và một số điểm đổi mới khác như đề án tuyển sinh, xác nhận nhập học, nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến, xác nhận nhập học trực tuyến…
Thí sinh đăng ký nhập học tại Trường ĐH Hùng Vương TP HCM
Chẳng hạn, với phương thức xét tuyển, việc tuyển sinh của các trường ĐH vốn chủ yếu dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT thì nay đa dạng hơn. Việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vốn chỉ áp dụng theo 4 nguyện vọng thì nay không giới hạn và áp dụng theo hình thức trực tuyến.
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT, đánh giá tất cả những đổi mới trong công tác tuyển sinh 9 năm qua đều hướng tới mục tiêu minh bạch, công bằng, tạo cơ hội cao nhất cho người học. Tuy vậy, công tác tuyển sinh giai đoạn từ năm 2015 đến nay còn nhiều hạn chế phải khắc phục.
Theo đó, tình trạng sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển đã gây ra nhiễu thông tin, kém hiệu quả do rất ít hoặc không có thí sinh đăng ký; chưa bảo đảm công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Nhiều trường chưa phân tích tương quan, đánh giá đối sánh kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức xét tuyển.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng dù ngày càng có nhiều cơ hội xét tuyển vào ĐH nhưng thí sinh cũng đối diện không ít khó khăn trong việc chọn ngành, chọn trường, ghi nhớ các phương thức tuyển sinh, thời hạn đăng ký xét tuyển.
Nhiều trường chờ Bộ GD-ĐT
Tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015 - 2023, triển khai công tác tuyển sinh năm 2024 - 2025, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết cơ bản sẽ giữ ổn định những nguyên tắc chung trong công tác tuyển sinh thời gian tới. Ông cũng đề nghị các cơ sở đào tạo công bố phương án tuyển sinh năm 2025 trước thời điểm bắt đầu năm học mới 2024 - 2025.
Trong khi đó, nhiều trường ĐH cho biết đang chờ thông tin cụ thể từ Bộ GD-ĐT mới xây dựng đề án tuyển sinh 2025. Theo TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, trường đang chờ thông tin từ Bộ GD-ĐT bởi có ý kiến cho rằng có thể sẽ ngưng áp dụng phương thức tuyển sinh sớm.
TS Nguyễn Trung Nhân nhìn nhận việc xét tuyển sớm với nhiều phương thức (xét học bạ, đánh giá năng lực…) mang lại nhiều cơ hội trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất cho thí sinh. Vấn đề là vài năm qua, nhiều trường công bố kết quả xét tuyển sớm, trước cả khi thi tốt nghiệp THPT, khiến nhiều thí sinh không còn tập trung cao cho kỳ thi này. Năm nay, Bộ GD-ĐT có thể quy định công bố kết quả xét tuyển sau khi thi tốt nghiệp THPT.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM, thông tin học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không phải học tất cả các môn như chương trình cũ. Các em chỉ học nhóm môn bắt buộc và các môn lựa chọn; thi tốt nghiệp THPT cũng chỉ 4 môn với 2 môn bắt buộc toán - văn và 2 môn lựa chọn.
Về cơ bản, mỗi khối ngành xét những môn bắt buộc, như khối kỹ thuật chắc chắn có toán, vật lý và môn khác… Vậy nên, để có nhiều thông tin cho các trường xây dựng đề án tuyển sinh thì Bộ GD-ĐT cần sớm công bố việc lựa chọn các môn học của học sinh khối 12.
Các trường ĐH đầu tiên công bố
Trường ĐH Nha Trang là trường đầu tiên công bố công tác tuyển sinh năm 2025 với sự thay đổi hoàn toàn so với những năm trước. Năm 2024, trường sử dụng 4 phương thức xét tuyển, gồm: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM và ĐHQG Hà Nội tổ chức; xét học bạ 6 học kỳ theo tổ hợp 4 môn; xét điểm thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp 3 môn. Năm 2025, trường sẽ xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập bậc THPT và kết quả đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM, ĐHQG Hà Nội... tổ chức.
Trường thứ 2 công bố thông tin tuyển sinh năm 2025 là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, với điểm mới là trường tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển. Bên cạnh đó, trường còn sử dụng các phương thức xét tuyển khác, như: xét tuyển thẳng và ưu tiên theo quy định của Bộ GD-ĐT, xét học bạ, xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP HCM tổ chức.
Đăng thảo luận