Sáng 2-9, tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia lăng Lê Văn Duyệt đã diễn ra ngày giỗ đầu tiên (tiên thường) lần thứ 192 Khâm sai chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng các lãnh đạo, hậu duệ gia tộc Lê Văn thắp hương khu vực mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt và vợ là bà Đỗ Thị Phận - Ảnh: LINH ĐOAN
Đến dự giỗ của Tả quân Lê Văn Duyệt có Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM Trần Kim Yến, Giám đốc Công an TP.HCM Lê Hồng Nam, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ VN TP.HCM Nguyễn Thành Trung, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy…
Ngoài ra còn có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban ngành, hậu duệ gia tộc Lê Văn…
Đức ông Lê Văn Duyệt, vị Phúc thần linh hiển của người dân
Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa quốc gia lăng Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết lễ giỗ lần thứ 192 của Khâm sai chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt diễn ra trong ba ngày 2, 3 và 4-9 (tức 30-7, 1 và 2-8 âm lịch).
Sân khấu lễ 2-9: Giỗ 192 năm Đức Tả quân Lê Văn DuyệtĐỌC NGAY
Bà Lâm Thị Hoàng Oanh, trưởng ban quản lý di tích, cho biết lễ giỗ nhằm nhớ về Đức thượng công, khi làm Tổng trấn Gia Định thành ông đã thể hiện rõ là một vị quan công minh, thanh liêm, chính trực, luôn quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân.
Giữ gìn bờ cõi và mở mang vùng đất Nam Bộ. Tài năng và công đức của Tả quân khiến người dân hết lòng kính phục, thương yêu gọi là Ông Lớn Thượng.
"Do đó, tại lăng miếu này nhân dân đã hết lòng thờ phụng đến ngày nay. Đồng thời trong cách nhìn của dân gian, Tả quân Lê Văn Duyệt đã trở thành vị "Phúc thần" hiển linh" - bà Hoàng Oanh xúc động nói.
Ngoài dịp lễ giỗ, hằng ngày di tích đều mở cửa để các cơ quan, đơn vị, nhân dân đến chiêm bái, học tập, tham quan. Bên cạnh đó tổ chức cúng các ngày lễ truyền thống để duy trì tín ngưỡng dân gian.
Lễ giỗ lần thứ 192 của Tả quân Lê Văn Duyệt được tổ chức trang trọng - Ảnh: LINH ĐOAN
Đông đảo người dân về thắp hương tưởng nhớ Đức ông Lê Văn Duyệt
Theo thông tin từ ban quản lý di tích, ba ngày giỗ sẽ tuần tự là tiên thường, chánh giỗ và hậu thường.
Diễn kịch kỷ niệm 260 năm ngày sinh Đức ông Tả quân Lê Văn DuyệtĐỌC NGAY
Ngày tiên thường có cúng tiên thường theo nghi thức tế lễ tiểu cung đình triều Nguyễn, lễ xây chầu - đại bội, lễ gia quan tấn tước, hát bội tuồng Lê Công kỳ án do Nhà hát nghệ thuật Hát bội TP.HCM trình diễn.
Ngày chánh giỗ (1-8 âm lịch) cúng chánh giỗ theo nghi thức lễ tế tiểu cung đình triều Nguyễn, tế tiền hiền-hậu hiền-anh hùng liệt sĩ, hát bội tuồng Ngũ sắc châu, San hậu 1, 2, 3, lễ tôn vương-hồi chầu.
Ngày hậu thường (2-8 âm lịch) có chương trình ca cổ của Đoàn Hoa lan trắng, cúng trầu cau và bánh Gia Định xưa.
Trong sáng 2-9, ngoài lãnh đạo, đông đảo người dân không chỉ trong phạm vi TP.HCM mà còn từ nhiều tỉnh thành tổ chức đoàn xe đến lăng để thắp hương tưởng nhớ Đức ông Lê Văn Duyệt.
Nhà hát nghệ thuật Hát bội TP.HCM trình diễn trong giỗ lần 192 Tả quân Lê Văn Duyệt - Ảnh: LINH ĐOAN
Bà Mai Anh, nhà gần lăng, cho biết mỗi sáng sau khi đi bộ tập thể dục bà thường ghé lăng xá ông và vợ là bà Đỗ Thị Phận.
"Riết thành thói quen, người dân chúng tôi coi ông như vị thần, là người có công lớn với đất Gia Định nên tưởng nhớ đến ông cũng như nhớ tới tổ tiên mình.
Thường ngày chỉ xá ông, bữa nay giỗ ông tui vô xin cây nhang để khấn ông, tri ân công đức to lớn của ông" - bà Mai Anh chia sẻ.
Đăng thảo luận