Có giai thoại kể rằng khi tiến sĩ Phan Thanh Giản dẫn đầu phái đoàn nước ta sang Pháp để thương thuyết chuộc lại 3 tỉnh miền Đông đã mất vào tay kẻ xâm lược, lúc ấy không có đem theo quốc kỳ

Do quên, hay do thời Tự Đức chưa có quốc kỳ thì không rõ. Khi phái đoàn đến kênh Suez, thuyền trưởng thông báo phái đoàn phải treo cờ lên - nhằm báo cho nước bạn biết để họ bắn súng chào theo đúng nghi lễ quốc tế. Các quan đại thần của ta ngớ người ra. Làm sao bây giờ?

May thay tiến sĩ Phạm Phú Thứ có sáng kiến lấy tấm vải bọc hành lý treo lên giả làm cờ. Thấy tấm vải màu đỏ này bay phất phơ trên cột buồm, hải quân cảng Suez cho là cờ Việt Nam, bắn 21 phát súng thần công chào mừng phái đoàn!

Chi tiết này khó có thể xác định tính chính xác, tuy nhiên, ta biết rằng thời trước, ông cha ta giữ nước và dựng nước, mỗi triều đại đều có quốc kỳ. Nhưng không thấy sử sách ghi cụ thể ra sao. Trong quyển Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam (NXB Văn Học -1992) của Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề trong phần phụ chú "Các thứ cờ thời xưa" - có cho biết một cách chung chung, đại thể, là trong lá đó, "có thêu con rồng" (tr. 73).

Hiện nay, đất nước ta đã có quốc kỳ chính thức. Lá cờ này, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ghi vào Hiến pháp: "Quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh". Năm 1976, sau khi thống nhất Nam - Bắc, Quốc hội lấy tên nước ta là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và tiếp tục giữ lá cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ.

Có thể nói, lá cờ chính là hồn của Tổ quốc. Nhạc sĩ Văn Cao khi sáng tác Tiến quân ca, được chọn làm quốc ca, ông đã viết khái quát và chính xác: "Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước". Từ "hồn nước" sử dụng ở đây, theo tôi chính là sự tiếp nối từ cụm từ "Chiêu hồn nước" của nhà thơ Phạm Tất Đắc (1909-1935) mà thật ra cũng là từ mà các bậc ái quốc thời đó đã sử dụng.

Tập thơ này in ra, ngay lập tức thực dân Pháp tịch thu và tác giả bị đưa lên nhà Trừng giới Bắc Giang để "giáo dục", sau đó tống giam Hỏa Lò. Sự kiện "Chiêu hồn nước" của chàng trai 17 tuổi đã gây chấn động thuở ấy:

Hồn hỡi hồn! Con Hồng cháu Lạc

Bấy nhiêu lâu đói rách lầm than

Bấy lâu thịt nát xương tan

Bấy lâu tím ruột thâm gan vì hồn

Trông bốn bể bồn chồn dạ ngọc

Ngắm năm châu khôn khóc nên lời

Đêm khuya cảnh vắng trông trời

Hồn ơi! Hồn hỡi! Hồn ơi! Hồn về!

Xin được hỏi, ai là người đã vẽ lại hồn Tổ quốc qua hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng? Câu hỏi này, đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức, tuy nhiên, không thể không nhắc đến vai trò tiên phong của nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến.

Từ thị xã Phủ Lý (Hà Nam) xuôi theo Quốc lộ 1 rồi rẽ vào con đường dẫn đến thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, nay là thị xã Duy Tiên - là quê hương của Nguyễn Hữu Tiến. Ông sinh ngày 5-3-1901, tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Hằng ngày ông dạy học vì nghĩ đó là cơ hội tốt để giáo dục cho thế hệ trẻ biết cái nhục mất nước để sau này rửa nhục cho nước.

 Cờ đỏ sao vàng - hồn của Tổ quốc 第1张

Ngư dân tỉnh Nghệ An thay mới cờ Tổ quốc (do chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” của Báo Người Lao Động trao tặng) trước khi ra khơi. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Năm 1929, ông gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng và thành lập chi bộ đầu tiên tại Duy Tiên. Đến năm 1931, ông sa vào tay giặc Pháp và bị kết án tử hình, ông chống án và bị chúng đày lên Sơn La, rồi đày ra Côn Đảo. Không thể cam chịu chết dần chết mòn trong tù ngục của đế quốc, ông cùng đồng đội tổ chức vượt ngục và trót lọt. Sự việc này diễn ra vào đêm 30-4-1935. Ông về hoạt động tại vùng Hậu Giang.

Từ tháng 9-1939, tình hình chính trị có nhiều biến động. Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương và kêu gọi toàn dân: "Chỉ có chiến tranh giải phóng các dân tộc mới thật sự là chiến tranh vì công lý, vì tự do".

Trên tinh thần đó, từ tháng 3-1940 đã có đề cương Khởi nghĩa Nam Kỳ do Xứ ủy đề ra. Nguyễn Hữu Tiến là người được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Võ Văn Tần giao nhiệm vụ vẽ quốc kỳ để chuẩn bị khởi nghĩa. Đó là lá cờ đỏ sao vàng như ngày nay. Ngọn cờ đỏ sao vàng đã ngạo nghễ tung bay trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ oanh liệt. Điều lạ lùng, thời điểm này, lãnh tụ Hồ Chí Minh đang bị giam trong nhà lao của bọn Tưởng Giới Thạch, có viết bài thơ "Thụy bất trước" (Ngủ không được) - theo bản dịch của Nam Trân:

Một canh, hai canh, lại ba canh,

Trằn trọc, băn khoăn, giấc chẳng thành.

Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt,

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.

Ở đây có một sự trùng hợp rất chính xác về hình ảnh lá cờ của Tổ quốc. Tháng 2-1941, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được trao cho Trung đội Cứu quốc đầu tiên của nước ta tại Bắc Sơn. Tháng 4-1941, Mặt trận Việt Minh thành lập, trong Chương trình Việt Minh ghi rõ: "Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp - Nhật, sẽ lập nên chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm quốc kỳ". Đây là văn bản đầu tiên nói về lá cờ của chính quyền cách mạng.

Rồi trung tuần tháng 8-1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định lấy cờ Việt Minh (cờ đỏ sao vàng năm cánh) làm lá cờ khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ở thời điểm này, báo Việt Nam Độc Lập - cơ quan của Việt Minh Cao - Bắc - Lạng do Bác Hồ sáng lập, số 107 ra ngày 1-10-1941, có bài thơ "Cờ đỏ ngôi sao" giải thích ý nghĩa lá cờ Tổ quốc:

Đỏ là màu nhiệt huyết của đồng bào

Dồn dật lại phong trào giải phóng

Và :

Năm cánh là hình dung đoàn kết

Cả sĩ, nông cho đến công, thương, binh

Toàn dân ta đều nhất trí đồng tình

Đoàn kết chặt như ngôi sao năm cánh

Trở lại với thời điểm Nguyễn Hữu Tiến vẽ lá cờ của Tổ quốc. Sau đó, trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, ngày 30-7-1940 ông cùng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị giặc Pháp lùng bắt tại cơ quan của Đảng ở Chợ Lớn. Lúc đó, Nguyễn Hữu Tiến là Ủy viên Trung ương Đảng và Nguyễn Thị Minh Khai là Ủy viên Xứ ủy kiêm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn đã bị chúng xử bắn.

Mấy năm gần đây, Thị ủy Duy Tiên có cử đoàn công tác vào tận Hóc Môn (TP HCM) để tìm hài cốt người con ưu tú của quê hương nhưng không tìm thấy. Bây giờ, trên nền nhà cũ của ông, tỉnh Hà Nam đã cho xây dựng Nhà Lưu niệm Nguyễn Hữu Tiến. Điều thú vị là trong đó có bức tranh của nhạc sĩ Văn Cao - tác giả "Tiến quân ca", quốc ca của Việt Nam vẽ Nguyễn Hữu Tiến đang ngồi vẽ quốc kỳ Việt Nam.

Hiện nay, lá cờ đỏ sao vàng - tượng trưng cho hồn Tổ quốc của non sông gấm vóc thống nhất từ Nam chí Bắc đã tung bay "sánh vai với các cường quốc năm châu". Thời sự ấm lòng mới đây nhất đã khiến cộng đồng người Việt trong và ngoài nước tán thành, ủng hộ - có thể kể đến hoạt động Tự hào cờ Tổ quốc do Báo Người Lao Động tổ chức. Đến nay, đã có 1.252.220 lá cờ được trao trong chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", "Cờ Tổ quốc biên cương", "Đường cờ Tổ quốc". Ý nghĩa nhân văn của hoạt động này vẫn còn duy trì, tiếp tục lan tỏa vững bền và sâu rộng…

Toàn dân ta đều nhất trí đồng tình

Đoàn kết chặt như ngôi sao năm cánh.

Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH TƯ:

Nêu cao lòng ái quốc trước ngọn cờ kiêu hãnh

Xuất hiện trong phong trào cách mạng năm 1940 ở Nam Kỳ, cờ đỏ sao vàng năm cánh gắn liền với lịch sử đấu tranh giữ vững nền độc lập dân tộc. Lá cờ Tổ quốc đã ở trong tim mỗi người dân Việt, theo suốt hành trình giữ và dựng nước, đến ngày nay gắn liền với công cuộc đổi mới phát triển, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tôi chưa có đủ cứ liệu để kiểm chứng chi tiết về câu chuyện lá cờ của tiến sĩ Phan Thanh Giản và tiến sĩ Phạm Phú Thứ. Song một điều rõ ràng là tinh thần ái quốc luôn gắn với lịch sử bảo vệ chủ quyền đất nước, màu đỏ thắm của lá cờ luôn đi theo vận mệnh của đất nước. Tôi chúc chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" của Báo Người Lao Động sẽ trở thành động lực, sức mạnh trong đời sống nhân dân, nhất là giới trẻ để cùng nhau yêu sử Việt, yêu lá cờ kiêu hãnh của Tổ quốc.

T.Hiệp (ghi)