Ngày 18/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ký Biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người di cư, đồng thời hỗ trợ người di cư tiếp cận các hệ thống, chính sách y tế quốc gia. Biên bản ghi nhớ đánh dấu gần 40 năm (1980-2024) quan hệ hợp tác giữa Tổ chức Di cư Quốc tế và Bộ Y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đánh giá, hai bên đã tích cực hợp tác trong nhiều lĩnh vực đảm bảo sức khỏe cho người di cư, bao gồm: Việc nâng cao nhận thức về sức khỏe của người di cư; tăng cường hợp tác song phương trong công tác kiểm soát bệnh lao qua biên giới; hỗ trợ tăng cường hợp tác khu vực, thông qua các hội thảo khu vực về di cư và sức khỏe người di cư.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu lao động lớn, khi nhu cầu tìm kiếm việc làm ở nước ngoài ngày càng tăng cao. Theo số liệu thống kê năm 2023, khoảng 155.000 lao động Việt Nam đã ra nước ngoài làm việc, chiếm gần một phần ba lực lượng lao động mới tham gia thị trường.
Giống như nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức về y tế, từ bệnh truyền nhiễm, rủi ro sức khỏe nghề nghiệp, sức khỏe tâm thần đến các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường... Các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, lao và sốt rét vẫn là những mối lo ngại lớn.
Đăng thảo luận