Bộ ngành cần chủ động cùng TP HCM thực hiện cơ chế đặc thù, không để thành phố phải đeo bám xin ý kiến nghe rất xót xa, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị.

"Trong báo cáo một năm thực hiện Nghị quyết 98, thành phố nhận thiếu sót là chưa quyết liệt đeo bám bộ ngành. Tôi nghe rất xót xa. Tại sao phải đeo bám trong khi rõ ràng phải phối hợp với nhau", Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói tại buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban thường vụ Thành ủy TP HCM, sáng 5/10.

Nghị quyết 98 thí điểm 44 cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM, có hiệu lực ngày 1/8/2023. Sau hơn một năm, 30 cơ chế đã áp dụng, hai nội dung đang chờ Bộ, ngành bổ sung quy định, một cơ chế xin dừng thực hiện do đã có quy định mới thay thế, 4 chính sách chưa đề xuất áp dụng và 7 cơ chế thành phố đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn.

Mặc dù đạt được một số kết quả, song theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi tiến độ xây dựng; ban hành kế hoạch triển khai một số nội dung chưa đạt như như chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; tăng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.

Theo ông Mãi, một số nội dung phải xin ý kiến bộ ngành để thực hiện. Ví dụ lĩnh vực ưu tiên cho nhà đầu tư chiến lược phải trao đổi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành khác mới trình HĐND thành phố. TP HCM được phép chi vượt một số nội dung nhưng cũng phải xin ý kiến Bộ Tài chính...

'Bộ ngành phải chủ động cùng TP HCM thực hiện cơ chế đặc thù'  第1张

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tại buổi làm việc, sáng 5/10. Ảnh: An Phương

Trước báo cáo của TP HCM, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng cần đổi mới cách làm. "Thành phố cần tích cực hơn trong quyền hạn của mình nhưng bộ ngành cũng phải bám thành phố để tháo gỡ", ông Phương nói và dẫn ví dụ khi tìm hiểu cách Trung Quốc lập Khu thương mại tự do Thượng Hải. Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đặt mục tiêu cho thành phố, các bộ, ngành chủ động xuống tháo gỡ, xây dựng để địa phương làm được chứ không đợi ở dưới đề xuất lên.

Theo ông Phương tinh thần của Nghị quyết 98 là cơ chế chính sách đột phá và TP HCM làm thí điểm nhưng nhiều nội dung thành phố vẫn phải làm theo quy trình, thủ tục hiện hành thì "nghe sai sai". Việc chậm thực hiện các cơ chế đặc thù có nguyên nhân khách quan là chưa có khung pháp lý và cần thời gian nghiên cứu. Tuy nhiên, có những vấn đề đã có các quy định chuyển tiếp.

Phó chủ tịch Quốc hội ví dụ trong điều khoản thi hành Nghị quyết 98 nêu rõ nếu cùng một vấn đề nhưng có sự khác nhau giữa Nghị quyết này và luật, quy định khác thì phải áp dụng Nghị quyết 98 thực hiện. "Cần bám chắc cái này để triển khai, lòng vòng, chờ đợi bộ ngành ý kiến thì rất khó", ông Phương nói.

Tương tự, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cho biết đã nghe nhiều ý kiến phản ánh dù TP HCM đã có nghị quyết đặc thù, đặc biệt nhưng làm gì cũng phải xin ý kiến. "Cái này phải nghiên cứu vì đã giao quyền phải để thành phố chủ động thực hiện theo pháp luật. Mỗi việc đi xin là mỗi lần hội họp. Do đó, phải làm sao giảm hội họp, văn bản trao đổi để đẩy nhanh công việc", ông Mẫn nói.

Theo ông Mẫn, TP HCM có vị trí, vai trò rất quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển của cả nước. Trong vòng hai tháng qua, lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đều đến làm việc "là chưa có tiền lệ với bất kỳ địa phương nào". Do đó, bộ ngành, các ủy ban của Quốc hội cũng giữ tinh thần này để chủ động vào với TP HCM để gỡ vướng.

"Đừng để tình trạng quyết liệt, quyết tâm thì có nhưng không làm, tắc chỗ này chỗ kia lại đổ cho luật chưa đồng bộ. Quốc hội và cả nước rất ủng hộ TP HCM do đó cần phải tháo gỡ trên tinh thần tắc đâu tháo đó", ông Mẫn nói.

'Bộ ngành phải chủ động cùng TP HCM thực hiện cơ chế đặc thù'  第2张

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại buổi làm việc với Ban thường vụ Thành ủy TP HCM, sáng 5/10. Ảnh: An Phương

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98 và đã chủ trì ba cuộc họp, có kết luận tháo gỡ các vướng mắc. Tuy nhiên, chính Thủ tướng cũng chưa bằng lòng với những kết luận của mình.

"Lỗi này không tại ai cả mà chúng ta bị vướng với chính những thứ chúng ta đề ra", ông Nên nói, nhắc lại lời của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương rằng nếu cùng một vấn đề nhưng quy định pháp luật khác nhau thì ưu tiên thực hiện Nghị quyết 98. Tuy nhiên, thực tế thực hiện người đưa ra nghị định hướng dẫn rất lo lắng rằng hướng dẫn của mình trái luật.

"Chúng tôi không dám trách họ vì họ thực ra cũng lo cho an toàn của chính mình", ông Nên nói, thêm rằng mặc dù có chính sách khuyến khích, động viên cán bộ dám nghĩ, dám làm nhưng đụng đến luật thì cán bộ phải cân nhắc. Do đó, khi ban hành các chính sách phải tính đến việc này.

"Cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Quốc hội cần quyết định vấn đề gì, thẩm quyền nào của Chính phủ, địa phương cần làm rõ ràng, rạch ròi đừng để thành phố làm gì cũng phải đi xin", ông Nên nói.

Tại buổi làm việc, TP HCM nêu ba nội dung cụ thể chuẩn bị trình Quốc hội xem xét gồm các dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP HCM, Đường sắt đô thị và Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM.

Với dự án Đường sắt đô thị, tổng vốn gần 35 tỷ USD cho hơn 183 km, TP HCM kiến nghị Quốc hội chấp thuận việc phân bổ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho thành phố (khoảng 25,6% trong giai đoạn đến 2035), còn lại sử dụng ngân sách địa phương.

Với Trung tâm tài chính quốc tế, thành phố kiến nghị Quốc hội chấp thuận 10 cơ chế chính sách tập trung vào các nhóm trụ cột năng lực cạnh tranh cần ưu tiên để xây dựng thành công trung tâm tài chính.

Lê Tuyết