(Dân trí) - Trần Phương Thảo mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé để giúp hàng triệu học sinh Việt Nam có cơ hội như nhau trong việc tiếp cận giáo dục STEAM đẳng cấp thế giới nhưng hoàn toàn miễn phí.
Năm 2013, Trần Phương Thảo bắt đầu đặt chân đến Mỹ khi trở thành sinh viên của Đại học Washington (University of Washington). Xuất phát từ mong muốn được làm những công việc có thể đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe, cô gái sinh năm 1996 đã lựa chọn ngành hóa sinh, mặc dù đây được đánh giá là một ngành học khó, ngay cả với sinh viên bản địa.
Thời gian đầu, Thảo làm thực tập tại khoa Não bộ của Bệnh viện Đại học Washington để nghiên cứu về cơ thể người và cách hệ thần kinh phản ứng khi bị ảnh hưởng từ các chất hướng thần. Sau đó, Thảo chuyển sang làm việc tại khoa Kỹ thuật sinh học, với tập trung nghiên cứu về tim mạch. Tại đây, đề tài nghiên cứu chuyên biệt hơn về cách tạo ra vật liệu sinh học thay thế các bộ phận trong tim của con người.
Trần Phương Thảo làm việc tại Khoa Phân tử dịch tễ của Viện Sức khỏe Môi trường tại bang Washington, Mỹ (Ảnh: NVCC).
Năm cuối đại học, nhờ mạng lưới với các viện nghiên cứu của Đại học Washington, Thảo đại diện cho trường làm thực tập sinh tại Hội đồng Hóa học Vật lý Quốc gia Tây Ban Nha, một trong ba hội đồng nghiên cứu lớn nhất châu Âu. Cô gái trẻ bắt đầu những trải nghiệm tại một đất nước mới.
Trong quá trình thực tập, Thảo đã làm việc cùng giáo sư tại viện và trưởng khoa Hóa Sinh của trường đại học để công bố cấu trúc mới của hai chất hóa học hữu cơ vào nguồn Trung tâm Dữ liệu Tinh thể học Cambridge. Quá trình học tập và nghiên cứu tại Tây Ban Nha đã trang bị thêm nhiều kiến thức cho Thảo trong ngành sinh học phân tử, thực hành các kĩ thuật phân tích có tính ứng dụng cao trong ngành vi sinh, từ đó tạo bước đà cho công việc sau này tại Mỹ.
Ngay sau khi ra trường, Thảo nhận lời làm việc tại Khoa Phân tử dịch tễ của Viện Sức khỏe Môi trường tại bang Washington. Ngành vi sinh học đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác cao, từ đó cũng góp phần rèn luyện tính cách và cách làm việc luôn phải lên kế hoạch chi tiết, cùng tính kỷ luật cao của Thảo. Các nghiên cứu hoặc các dự án liên quan đến dịch tễ đều rất nhạy cảm về mặt thời gian, do dịch bệnh, hoặc thậm chí đại dịch, diễn biến đều rất phức tạp và cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng.
Thời gian hơn 6 năm làm việc trong ngành y tế tại Mỹ, Thảo đã thực hiện các dự án dịch tễ quốc gia trong nhiều lĩnh vực của đời sống, từ an toàn thực phẩm, an toàn môi trường, nguồn nước đến các dự án phức tạp hơn liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Các dự án đều cần theo các hướng dẫn nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng sở tại.
Thảo đã làm việc với vai trò chuyên gia phân tích trong nhiều dự án quốc gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), đóng góp vào việc ngăn chặn và điều tra các đợt dịch bệnh và bùng phát đối với an toàn y tế cộng đồng tại Mỹ, cũng như các dự án phim tài liệu khoa học có đóng góp lớn trong ngành dịch tễ và an toàn sinh học.
Năm 2020, Seattle, thành phố nơi Thảo công tác, là thành phố đầu tiên của Mỹ phát hiện ca mắc Covid-19. Vào thời điểm đó, các thông tin về chủng virus này còn rất hạn chế, trong khi tốc độ lây lan vô cùng nhanh chóng và phức tạp. Với công việc trong ngành y tế, Thảo và các cộng sự tuyến đầu đã được huy động làm việc bất kể ngày đêm với mong muốn đẩy lùi đại dịch. Vào thời điểm đó, trong môi trường làm việc của Thảo, các trang thiết bị bảo hộ còn nhiều thiếu thốn và các thông tin nghiên cứu về Covid-19 còn rất hạn chế.
"Việc đóng góp một phần vào quá trình nghiên cứu dịch bệnh và các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh cho cộng đồng, thực sự khiến mình càng yêu công việc hơn, đồng thời tiếp thêm động lực để mình tiếp tục gắn bó với nghề, mặc dù đặc thù công việc đòi hỏi làm việc bất kể ngày đêm", Thảo chia sẻ.
Cơ duyên với "STEAM for Vietnam"
Học sinh Hà Giang lần đầu tiếp cận Robot VEXIQ trong chương trình STEAM Bus của STEAM for Vietnam (Ảnh: NVCC).
Thời điểm giữa đại dịch Covid-19, Thảo nhận thấy mình cần làm điều gì đó để có thể tiếp tục cống hiến cho quê hương Việt Nam. Thảo nhận ra rằng nhờ có công nghệ mà thế giới trở nên "phẳng" hơn, từ đó mà những người trẻ Việt, dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, cũng đều có thể góp một phần công sức cho Việt Nam.
Xuất phát từ suy nghĩ trên, Thảo đã quyết định tham gia tổ chức STEAM for Vietnam cùng với hơn 200 người Việt trẻ đang công tác tại các công ty công nghệ lớn ở thung lũng Silicon và tại các quốc gia khác trải dài hơn 13 múi giờ trên thế giới.
STEAM for Vietnam là một tổ chức phi lợi nhuận, vận hành dựa vào mạng lưới người Việt trẻ trên toàn cầu, cam kết cung cấp giáo dục STEAM (Science - Khoa học, Technology - Kỹ thuật, Engineering - Kỹ sư, Art - Nghệ thuật, Mathematics - Toán học) hàng đầu thế giới miễn phí cho hàng triệu học sinh Việt Nam, không phụ thuộc vào vùng miền và hoàn cảnh kinh tế của các em. Thông qua việc tận dụng công nghệ, STEAM for Vietnam đã đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận và cung cấp nền tảng giáo dục STEAM ở quy mô lớn cho trẻ em Việt Nam.
Mặc dù STEAM for Vietnam hoạt động dựa trên nền tảng là các tình nguyện viên, nhưng ngay từ đầu Thảo đã nhận thấy đây là một tổ chức có quy mô rất bài bản, các hoạt động và định hướng của tổ chức đều là những kế hoạch dài hạn và có tầm ảnh hưởng ở quy mô lớn.
Thảo bắt đầu tại STEAM for Vietnam với vị trí quản lý dự án giáo dục - lớp Nhập môn Tư duy máy tính cùng Scratch - lớp học tiên phong với cách tiếp cận hoàn toàn mới, mỗi bài học là một tập phim với các tuyến nhân vật, do các thầy cô có kinh nghiệm làm việc tại các công ty công nghệ hàng đầu thế giới ở thung lũng Silicon giảng dạy. Sau 2 năm, Thảo trở thành thế hệ lãnh đạo thứ hai của tổ chức, bắt đầu đảm nhận vị trí Giám đốc Vận hành (COO) của STEAM for Vietnam.
"Những nhiệm vụ và cơ hội làm việc với các đối tác lớn quốc tế trong và ngoài nước như UNICEF, VEX Robotics, Scratch Foundation - cha đẻ của ngôn ngữ lập trình Scratch, Trung tâm Mỹ thuộc Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư và các trường đại học hàng đầu trong nước như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Fulbright, Đại học VinUni, Đại học Phenikaa... ở các dự án quy mô cấp quốc gia, với hàng nghìn học sinh và phụ huynh tham dự, đã giúp mình trở nên bản lĩnh hơn và trau dồi kinh nghiệm làm việc tốt hơn", Thảo nhấn mạnh.
Sứ mệnh giáo dục STEAM
Đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên tham gia giải đấu robot lớn nhất hành tinh VEX Worlds ở Dallas, Texas, Mỹ năm 2023 (Ảnh: NVCC).
Sau gần 4 năm hoạt động, STEAM for Vietnam đã mang lại cơ hội giáo dục STEAM đẳng cấp quốc tế hoàn toàn miễn phí cho hơn 50.000 học sinh đăng ký trên 63 tỉnh thành tại Việt Nam và hơn 4.000 giáo viên từ chương trình "Train the Trainers" 2023. Bên cạnh đó, năm 2023 đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một đoàn lớn thứ 5 trên thế giới gồm 19 đội học sinh tiểu học và trung học cơ sở với hơn 100 học sinh tranh tài tại giải đấu robot lớn nhất hành tinh VEX Worlds ở Dallas, Texas, Mỹ, mang về 5 giải thưởng trên nhiều hạng mục của cuộc thi. Toàn bộ quá trình đưa giáo dục VEX Robotics về Việt Nam từ con số 0 tới giải VEX Worlds chỉ diễn ra trong vòng chưa tới 2 năm khiến rất nhiều chuyên gia đánh giá là kỳ tích.
Thảo chia sẻ rằng, chuyến hành trình du đấu của các học sinh Việt Nam tại Mỹ không chỉ là trải nghiệm thi đấu robot cùng bạn bè quốc tế, mà nhân cơ hội này, STEAM for Vietnam mong muốn các học sinh Việt Nam có cơ hội đi ra thế giới, được tận mắt chứng kiến và trò chuyện cùng các chuyên gia người Việt làm việc tại Mỹ thông qua hoạt động trải nghiệm trụ sở Google tại thung lũng Silicon, đại học Stanford, Trung tâm không gian vũ trụ NASA - Texas, để từ đó, các em nuôi những giấc mơ lớn hơn và hiểu được rằng mọi ước mơ đều không có giới hạn.
Các học sinh Việt Nam giành giải thưởng tại giải đấu robot thế giới VEX Worlds (Ảnh: NVCC).
Ngoài sứ mệnh truyền cảm hứng cho các học sinh, STEAM for Vietnam cũng nhận thấy vai trò quan trọng của thầy cô trong việc mang lại giáo dục STEAM cho học sinh Việt Nam, đặc biệt là các em ở vùng sâu vùng xa, chưa có nhiều điều kiện tiếp xúc với công nghệ. Do vậy, chương trình "Train the Trainers" đào tạo giáo viên trong lĩnh vực STEAM đã trở thành mũi nhọn và là dự án trọng điểm của STEAM for Vietnam từ năm 2023. Với bước đà đào tạo cho 4.000 giáo viên trong năm 2023, STEAM for Vietnam mong muốn đào tạo tổng cộng 15.000 giáo viên trong 2 năm tới. Với mỗi giáo viên, chỉ cần dạy được 30 học sinh một năm, trong vòng 3 năm, sẽ có 1 triệu học sinh Việt Nam được tiếp cận giáo dục STEAM.
Là một tổ chức phi lợi nhuận và vận hành dựa vào mạng lưới người Việt trẻ trên toàn cầu, con người được xem là nguồn tài nguyên lớn nhất của STEAM for Vietnam. Với sứ mệnh mang lại giáo dục STEAM đẳng cấp quốc tế cho hàng triệu học sinh Việt Nam, STEAM for Vietnam đóng vai trò như "thỏi nam châm", thu hút hàng trăm chuyên gia và người trẻ tại Mỹ, châu Âu và trên toàn thế giới làm việc không quản ngày đêm, tranh thủ dành ra 1-2 tiếng mỗi ngày sau giờ làm việc hoặc cuối tuần để lên kế hoạch cho các dự án lớp học.
STEAM for Vietnam không chỉ là nơi các tình nguyện viên ngày đêm cống hiến để tạo cơ hội cho các thế hệ trẻ, mà còn là giúp các tình nguyện viên trưởng thành hơn thông qua cách thức vận hành bài bản, các tình nguyện viên hỗ trợ nhau phát triển nghề nghiệp và các cơ hội đi du học, đi thực tập ở nước ngoài...
STEAM for Vietnam như một môi trường kết nối các nguồn tài nguyên lại với nhau, từ yếu tố con người, đến các nguồn tài nguyên khác, cùng thực hiện chung sứ mệnh mang lại giáo dục STEAM miễn phí cho học sinh trên toàn Việt Nam.
Với sự phát triển nhanh chóng của tổ chức, và sự ủng hộ của thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh, STEAM for Vietnam luôn vận hành hết công suất và tận dụng tối đa công nghệ, phương pháp quản lý dự án và phân công công việc sao cho mỗi tình nguyện viên, dù chỉ có 1-2 tiếng một ngày cũng có thể tham gia và đóng góp công sức của mình vào sứ mệnh chung. Để làm được như vậy, mỗi dự án đều được lên kế hoạch cẩn thận, phân công chi tiết đến mức dù bất kỳ tình nguyện viên nào, dù ít hay nhiều thời gian đều có thể chung tay góp phần phát triển chương trình và đóng góp cho cộng đồng.
Khát vọng cống hiến
Các học sinh tham dự ngày hội STEAMese Festival 2023 do STEAM for Vietnam phối hợp với Trung tâm Mỹ, UNICEF và Đại học Phenikka tổ chức (Ảnh: NVCC).
Thảo bắt đầu làm tình nguyện viên cho STEAM for Vietnam với mong muốn đóng góp cho Việt Nam, dù ở bất kỳ đâu trên thế giới. Việc nhìn thấy các em nhỏ, đặc biệt học sinh dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng cao được tiếp xúc với giáo dục STEAM từ khi còn rất nhỏ, đã tiếp thêm nhiều động lực cho Thảo và những cộng sự trong dự án STEAM for Vietnam.
"Nhìn thấy những hoạt động tình nguyện của mình, nhờ công nghệ và cơ hội làm việc với các chuyên gia trên toàn thế giới, đã giúp mang giáo dục STEAM cho hàng nghìn học sinh sau mỗi khóa học, đã giúp mình ngày có nhiều động lực gắn bó với công việc này hơn. Nhờ mô hình tình nguyện viên và là dự án phi lợi nhuận, nên tổ chức cũng thu hút được rất nhiều chuyên gia người Việt có tâm và có tầm. Chính nhờ được làm việc hàng ngày với những người giỏi hơn ở nhiều lĩnh vực, từ công nghệ, giáo dục, tới start-up, đã giúp mình trưởng thành và tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý báu", Thảo chia sẻ.
Đối với Thảo, việc được nhìn thấy các tình nguyện viên gắn bó với công việc tình nguyện, không quản ngày đêm, thức dậy từ 4-5 giờ sáng để chuẩn bị bài giảng, hay chăm chút từng chút một cho khâu tổ chức Giải quốc gia Robotics đã thực sự khiến cô gái trẻ xúc động. Thảo nhìn thấy rõ sự trưởng thành trong cách làm việc, tiếp cận vấn đề và cũng nhìn thấy rất nhiều bạn khi tham gia làm việc cùng STEAM for Vietnam đến bây giờ đã có thể thực tập ở những công ty hàng đầu thế giới, hoặc có những cơ hội trao đổi, thực tập tại Mỹ, nhờ mạng lưới các tình nguyện viên kết nối rộng khắp.
"Đối với mình, không gì quý hơn việc nhìn thấy không chỉ các học sinh, giáo viên có thêm nhiều cơ hội học tập và tiếp cận giáo dục STEAM đẳng cấp quốc tế hoàn toàn miễn phí, mà còn là sự phát triển của các tình nguyện viên khi tham gia tổ chức. Là người Việt trẻ có cơ hội học tập và làm việc tại nước ngoài, mình luôn mong muốn các thế hệ sau có thể ngày càng phát triển và thành công hơn nữa", Thảo cho biết.
Theo Thảo, làm việc cho STEAM for Vietnam mặc dù là công việc tình nguyện, nhưng những cơ hội được phát triển bản thân, phát triển trong công việc là những lý do khiến các tình nguyện viên ngày càng gắn bó với tổ chức. Nhờ làm việc tại STEAM for Vietnam, Thảo có cơ hội làm việc với Scratch Foundation, cha đẻ của ngôn ngữ lập trình Scratch, đóng góp ý kiến để xây dựng chương trình quy mô quốc tế được hiệu quả hơn, hoặc hợp tác với các dự án của UNICEF Việt Nam hay Trung tâm Mỹ để mang giáo dục STEAM ngày càng lan tỏa rộng khắp.
Trần Phương Thảo (ngoài cùng bên phải) và các tình nguyện viên của STEAM for Vietnam cùng đoàn học sinh dân tộc Mông ở Hà Giang trong hành trình STEAM Bus 2022 (Ảnh: NVCC).
Trong năm 2024, STEAM for Vietnam mong muốn phát triển xây dựng mạng lưới các chuyên gia trên khắp thế giới, nhằm kết nối, tạo sân chơi để những người đi trước hỗ trợ, hướng dẫn các học sinh, sinh viên thông qua chương trình Mentorship Program -Professional Network Development, không chỉ đóng vai trò hướng nghiệp, mà còn giúp các em trau dồi cả những kỹ năng mềm và mở rộng mối quan hệ trong tương lai.
Chia sẻ về cách cân bằng công việc ở phòng nghiên cứu và ở Steam for Vietnam, Thảo cho biết ngay từ những ngày đầu tiên làm việc ở vị trí vận hành, việc làm việc khoa học và biết cách phân chia công việc hợp lý đã giúp cô gái trẻ rất nhiều trong việc quản lý công việc và cân bằng trong cuộc sống. Do tính chất các tình nguyện viên của STEAM for Vietnam ở khắp nơi trên thế giới, nên mỗi tối trước khi đi ngủ hoặc mỗi sáng trước khi đi làm, Thảo đều tranh thủ kiểm tra các đầu việc và cập nhật công việc thường xuyên, để các bạn tình nguyện viên ở các múi giờ khác có thể làm việc trong lúc Thảo đi làm công việc toàn thời gian tại Viện Sức khỏe Môi trường hoặc nghỉ ngơi.
"Thực ra, đối với mình, công việc là đam mê. Cả công việc ở phòng nghiên cứu dịch tễ và công việc tại STEAM for Vietnam đều khiến mình thấy mỗi ngày trôi qua, mình đều được góp một phần công sức nhỏ bé cho cộng đồng, đặc biệt công việc tại STEAM for Vietnam, khiến mình thấy dù ở nơi nào trên thế giới, mình đều có thể cống hiến cho đất nước", cô gái trẻ chia sẻ.
Kỳ 6: Cô gái góp sức giúp người Việt chinh phục Thung lũng Silicon
Lời tòa soạn: Trong những năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục lớn mạnh cả về lượng và chất. Họ không chỉ hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại mà còn ngày càng hướng về quê hương, trở thành một bộ phận không tách rời và một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp quan trọng trong việc giới thiệu những hình ảnh đẹp về Việt Nam với bạn bè thế giới, là cầu nối quan trọng cho quan hệ Việt Nam với các nước. Và dù sống ở khắp năm châu, họ vẫn lưu giữ "hồn Việt", tiếng Việt, văn hóa Việt thông qua nhiều cách nhau.
Báo Dân trí trân trọng gửi đến quý độc giả tuyến bài "Quê hương trong tim", giới thiệu những người Việt, người gốc Việt sống ở nước ngoài luôn hướng về cội nguồn và mong ước có thể làm điều gì đó để đóng góp cho quê hương yêu dấu.
Thế giớiCô gái trẻ ươm mầm đam mê công nghệ cho hàng triệu học sinh Việt Nam
(Dân trí) - Trần Phương Thảo mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé để giúp hàng triệu học sinh Việt Nam có cơ hội như nhau trong việc tiếp cận giáo dục STEAM đẳng cấp thế giới nhưng hoàn toàn miễn phí.
Năm 2013, Trần Phương Thảo bắt đầu đặt chân đến Mỹ khi trở thành sinh viên của Đại học Washington (University of Washington). Xuất phát từ mong muốn được làm những công việc có thể đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe, cô gái sinh năm 1996 đã lựa chọn ngành hóa sinh, mặc dù đây được đánh giá là một ngành học khó, ngay cả với sinh viên bản địa.
Thời gian đầu, Thảo làm thực tập tại khoa Não bộ của Bệnh viện Đại học Washington để nghiên cứu về cơ thể người và cách hệ thần kinh phản ứng khi bị ảnh hưởng từ các chất hướng thần. Sau đó, Thảo chuyển sang làm việc tại khoa Kỹ thuật sinh học, với tập trung nghiên cứu về tim mạch. Tại đây, đề tài nghiên cứu chuyên biệt hơn về cách tạo ra vật liệu sinh học thay thế các bộ phận trong tim của con người.
Trần Phương Thảo làm việc tại Khoa Phân tử dịch tễ của Viện Sức khỏe Môi trường tại bang Washington, Mỹ (Ảnh: NVCC).
Năm cuối đại học, nhờ mạng lưới với các viện nghiên cứu của Đại học Washington, Thảo đại diện cho trường làm thực tập sinh tại Hội đồng Hóa học Vật lý Quốc gia Tây Ban Nha, một trong ba hội đồng nghiên cứu lớn nhất châu Âu. Cô gái trẻ bắt đầu những trải nghiệm tại một đất nước mới.
Trong quá trình thực tập, Thảo đã làm việc cùng giáo sư tại viện và trưởng khoa Hóa Sinh của trường đại học để công bố cấu trúc mới của hai chất hóa học hữu cơ vào nguồn Trung tâm Dữ liệu Tinh thể học Cambridge. Quá trình học tập và nghiên cứu tại Tây Ban Nha đã trang bị thêm nhiều kiến thức cho Thảo trong ngành sinh học phân tử, thực hành các kĩ thuật phân tích có tính ứng dụng cao trong ngành vi sinh, từ đó tạo bước đà cho công việc sau này tại Mỹ.
Ngay sau khi ra trường, Thảo nhận lời làm việc tại Khoa Phân tử dịch tễ của Viện Sức khỏe Môi trường tại bang Washington. Ngành vi sinh học đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác cao, từ đó cũng góp phần rèn luyện tính cách và cách làm việc luôn phải lên kế hoạch chi tiết, cùng tính kỷ luật cao của Thảo. Các nghiên cứu hoặc các dự án liên quan đến dịch tễ đều rất nhạy cảm về mặt thời gian, do dịch bệnh, hoặc thậm chí đại dịch, diễn biến đều rất phức tạp và cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng.
Thời gian hơn 6 năm làm việc trong ngành y tế tại Mỹ, Thảo đã thực hiện các dự án dịch tễ quốc gia trong nhiều lĩnh vực của đời sống, từ an toàn thực phẩm, an toàn môi trường, nguồn nước đến các dự án phức tạp hơn liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Các dự án đều cần theo các hướng dẫn nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng sở tại.
Thảo đã làm việc với vai trò chuyên gia phân tích trong nhiều dự án quốc gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), đóng góp vào việc ngăn chặn và điều tra các đợt dịch bệnh và bùng phát đối với an toàn y tế cộng đồng tại Mỹ, cũng như các dự án phim tài liệu khoa học có đóng góp lớn trong ngành dịch tễ và an toàn sinh học.
Năm 2020, Seattle, thành phố nơi Thảo công tác, là thành phố đầu tiên của Mỹ phát hiện ca mắc Covid-19. Vào thời điểm đó, các thông tin về chủng virus này còn rất hạn chế, trong khi tốc độ lây lan vô cùng nhanh chóng và phức tạp. Với công việc trong ngành y tế, Thảo và các cộng sự tuyến đầu đã được huy động làm việc bất kể ngày đêm với mong muốn đẩy lùi đại dịch. Vào thời điểm đó, trong môi trường làm việc của Thảo, các trang thiết bị bảo hộ còn nhiều thiếu thốn và các thông tin nghiên cứu về Covid-19 còn rất hạn chế.
"Việc đóng góp một phần vào quá trình nghiên cứu dịch bệnh và các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh cho cộng đồng, thực sự khiến mình càng yêu công việc hơn, đồng thời tiếp thêm động lực để mình tiếp tục gắn bó với nghề, mặc dù đặc thù công việc đòi hỏi làm việc bất kể ngày đêm", Thảo chia sẻ.
Cơ duyên với "STEAM for Vietnam"
Học sinh Hà Giang lần đầu tiếp cận Robot VEXIQ trong chương trình STEAM Bus của STEAM for Vietnam (Ảnh: NVCC).
Thời điểm giữa đại dịch Covid-19, Thảo nhận thấy mình cần làm điều gì đó để có thể tiếp tục cống hiến cho quê hương Việt Nam. Thảo nhận ra rằng nhờ có công nghệ mà thế giới trở nên "phẳng" hơn, từ đó mà những người trẻ Việt, dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, cũng đều có thể góp một phần công sức cho Việt Nam.
Xuất phát từ suy nghĩ trên, Thảo đã quyết định tham gia tổ chức STEAM for Vietnam cùng với hơn 200 người Việt trẻ đang công tác tại các công ty công nghệ lớn ở thung lũng Silicon và tại các quốc gia khác trải dài hơn 13 múi giờ trên thế giới.
STEAM for Vietnam là một tổ chức phi lợi nhuận, vận hành dựa vào mạng lưới người Việt trẻ trên toàn cầu, cam kết cung cấp giáo dục STEAM (Science - Khoa học, Technology - Kỹ thuật, Engineering - Kỹ sư, Art - Nghệ thuật, Mathematics - Toán học) hàng đầu thế giới miễn phí cho hàng triệu học sinh Việt Nam, không phụ thuộc vào vùng miền và hoàn cảnh kinh tế của các em. Thông qua việc tận dụng công nghệ, STEAM for Vietnam đã đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận và cung cấp nền tảng giáo dục STEAM ở quy mô lớn cho trẻ em Việt Nam.
Mặc dù STEAM for Vietnam hoạt động dựa trên nền tảng là các tình nguyện viên, nhưng ngay từ đầu Thảo đã nhận thấy đây là một tổ chức có quy mô rất bài bản, các hoạt động và định hướng của tổ chức đều là những kế hoạch dài hạn và có tầm ảnh hưởng ở quy mô lớn.
Thảo bắt đầu tại STEAM for Vietnam với vị trí quản lý dự án giáo dục - lớp Nhập môn Tư duy máy tính cùng Scratch - lớp học tiên phong với cách tiếp cận hoàn toàn mới, mỗi bài học là một tập phim với các tuyến nhân vật, do các thầy cô có kinh nghiệm làm việc tại các công ty công nghệ hàng đầu thế giới ở thung lũng Silicon giảng dạy. Sau 2 năm, Thảo trở thành thế hệ lãnh đạo thứ hai của tổ chức, bắt đầu đảm nhận vị trí Giám đốc Vận hành (COO) của STEAM for Vietnam.
"Những nhiệm vụ và cơ hội làm việc với các đối tác lớn quốc tế trong và ngoài nước như UNICEF, VEX Robotics, Scratch Foundation - cha đẻ của ngôn ngữ lập trình Scratch, Trung tâm Mỹ thuộc Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư và các trường đại học hàng đầu trong nước như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Fulbright, Đại học VinUni, Đại học Phenikaa... ở các dự án quy mô cấp quốc gia, với hàng nghìn học sinh và phụ huynh tham dự, đã giúp mình trở nên bản lĩnh hơn và trau dồi kinh nghiệm làm việc tốt hơn", Thảo nhấn mạnh.
Sứ mệnh giáo dục STEAM
Đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên tham gia giải đấu robot lớn nhất hành tinh VEX Worlds ở Dallas, Texas, Mỹ năm 2023 (Ảnh: NVCC).
Sau gần 4 năm hoạt động, STEAM for Vietnam đã mang lại cơ hội giáo dục STEAM đẳng cấp quốc tế hoàn toàn miễn phí cho hơn 50.000 học sinh đăng ký trên 63 tỉnh thành tại Việt Nam và hơn 4.000 giáo viên từ chương trình "Train the Trainers" 2023. Bên cạnh đó, năm 2023 đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một đoàn lớn thứ 5 trên thế giới gồm 19 đội học sinh tiểu học và trung học cơ sở với hơn 100 học sinh tranh tài tại giải đấu robot lớn nhất hành tinh VEX Worlds ở Dallas, Texas, Mỹ, mang về 5 giải thưởng trên nhiều hạng mục của cuộc thi. Toàn bộ quá trình đưa giáo dục VEX Robotics về Việt Nam từ con số 0 tới giải VEX Worlds chỉ diễn ra trong vòng chưa tới 2 năm khiến rất nhiều chuyên gia đánh giá là kỳ tích.
Thảo chia sẻ rằng, chuyến hành trình du đấu của các học sinh Việt Nam tại Mỹ không chỉ là trải nghiệm thi đấu robot cùng bạn bè quốc tế, mà nhân cơ hội này, STEAM for Vietnam mong muốn các học sinh Việt Nam có cơ hội đi ra thế giới, được tận mắt chứng kiến và trò chuyện cùng các chuyên gia người Việt làm việc tại Mỹ thông qua hoạt động trải nghiệm trụ sở Google tại thung lũng Silicon, đại học Stanford, Trung tâm không gian vũ trụ NASA - Texas, để từ đó, các em nuôi những giấc mơ lớn hơn và hiểu được rằng mọi ước mơ đều không có giới hạn.
Các học sinh Việt Nam giành giải thưởng tại giải đấu robot thế giới VEX Worlds (Ảnh: NVCC).
Ngoài sứ mệnh truyền cảm hứng cho các học sinh, STEAM for Vietnam cũng nhận thấy vai trò quan trọng của thầy cô trong việc mang lại giáo dục STEAM cho học sinh Việt Nam, đặc biệt là các em ở vùng sâu vùng xa, chưa có nhiều điều kiện tiếp xúc với công nghệ. Do vậy, chương trình "Train the Trainers" đào tạo giáo viên trong lĩnh vực STEAM đã trở thành mũi nhọn và là dự án trọng điểm của STEAM for Vietnam từ năm 2023. Với bước đà đào tạo cho 4.000 giáo viên trong năm 2023, STEAM for Vietnam mong muốn đào tạo tổng cộng 15.000 giáo viên trong 2 năm tới. Với mỗi giáo viên, chỉ cần dạy được 30 học sinh một năm, trong vòng 3 năm, sẽ có 1 triệu học sinh Việt Nam được tiếp cận giáo dục STEAM.
Là một tổ chức phi lợi nhuận và vận hành dựa vào mạng lưới người Việt trẻ trên toàn cầu, con người được xem là nguồn tài nguyên lớn nhất của STEAM for Vietnam. Với sứ mệnh mang lại giáo dục STEAM đẳng cấp quốc tế cho hàng triệu học sinh Việt Nam, STEAM for Vietnam đóng vai trò như "thỏi nam châm", thu hút hàng trăm chuyên gia và người trẻ tại Mỹ, châu Âu và trên toàn thế giới làm việc không quản ngày đêm, tranh thủ dành ra 1-2 tiếng mỗi ngày sau giờ làm việc hoặc cuối tuần để lên kế hoạch cho các dự án lớp học.
STEAM for Vietnam không chỉ là nơi các tình nguyện viên ngày đêm cống hiến để tạo cơ hội cho các thế hệ trẻ, mà còn là giúp các tình nguyện viên trưởng thành hơn thông qua cách thức vận hành bài bản, các tình nguyện viên hỗ trợ nhau phát triển nghề nghiệp và các cơ hội đi du học, đi thực tập ở nước ngoài...
STEAM for Vietnam như một môi trường kết nối các nguồn tài nguyên lại với nhau, từ yếu tố con người, đến các nguồn tài nguyên khác, cùng thực hiện chung sứ mệnh mang lại giáo dục STEAM miễn phí cho học sinh trên toàn Việt Nam.
Với sự phát triển nhanh chóng của tổ chức, và sự ủng hộ của thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh, STEAM for Vietnam luôn vận hành hết công suất và tận dụng tối đa công nghệ, phương pháp quản lý dự án và phân công công việc sao cho mỗi tình nguyện viên, dù chỉ có 1-2 tiếng một ngày cũng có thể tham gia và đóng góp công sức của mình vào sứ mệnh chung. Để làm được như vậy, mỗi dự án đều được lên kế hoạch cẩn thận, phân công chi tiết đến mức dù bất kỳ tình nguyện viên nào, dù ít hay nhiều thời gian đều có thể chung tay góp phần phát triển chương trình và đóng góp cho cộng đồng.
Khát vọng cống hiến
Các học sinh tham dự ngày hội STEAMese Festival 2023 do STEAM for Vietnam phối hợp với Trung tâm Mỹ, UNICEF và Đại học Phenikka tổ chức (Ảnh: NVCC).
Thảo bắt đầu làm tình nguyện viên cho STEAM for Vietnam với mong muốn đóng góp cho Việt Nam, dù ở bất kỳ đâu trên thế giới. Việc nhìn thấy các em nhỏ, đặc biệt học sinh dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng cao được tiếp xúc với giáo dục STEAM từ khi còn rất nhỏ, đã tiếp thêm nhiều động lực cho Thảo và những cộng sự trong dự án STEAM for Vietnam.
"Nhìn thấy những hoạt động tình nguyện của mình, nhờ công nghệ và cơ hội làm việc với các chuyên gia trên toàn thế giới, đã giúp mang giáo dục STEAM cho hàng nghìn học sinh sau mỗi khóa học, đã giúp mình ngày có nhiều động lực gắn bó với công việc này hơn. Nhờ mô hình tình nguyện viên và là dự án phi lợi nhuận, nên tổ chức cũng thu hút được rất nhiều chuyên gia người Việt có tâm và có tầm. Chính nhờ được làm việc hàng ngày với những người giỏi hơn ở nhiều lĩnh vực, từ công nghệ, giáo dục, tới start-up, đã giúp mình trưởng thành và tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý báu", Thảo chia sẻ.
Đối với Thảo, việc được nhìn thấy các tình nguyện viên gắn bó với công việc tình nguyện, không quản ngày đêm, thức dậy từ 4-5 giờ sáng để chuẩn bị bài giảng, hay chăm chút từng chút một cho khâu tổ chức Giải quốc gia Robotics đã thực sự khiến cô gái trẻ xúc động. Thảo nhìn thấy rõ sự trưởng thành trong cách làm việc, tiếp cận vấn đề và cũng nhìn thấy rất nhiều bạn khi tham gia làm việc cùng STEAM for Vietnam đến bây giờ đã có thể thực tập ở những công ty hàng đầu thế giới, hoặc có những cơ hội trao đổi, thực tập tại Mỹ, nhờ mạng lưới các tình nguyện viên kết nối rộng khắp.
"Đối với mình, không gì quý hơn việc nhìn thấy không chỉ các học sinh, giáo viên có thêm nhiều cơ hội học tập và tiếp cận giáo dục STEAM đẳng cấp quốc tế hoàn toàn miễn phí, mà còn là sự phát triển của các tình nguyện viên khi tham gia tổ chức. Là người Việt trẻ có cơ hội học tập và làm việc tại nước ngoài, mình luôn mong muốn các thế hệ sau có thể ngày càng phát triển và thành công hơn nữa", Thảo cho biết.
Theo Thảo, làm việc cho STEAM for Vietnam mặc dù là công việc tình nguyện, nhưng những cơ hội được phát triển bản thân, phát triển trong công việc là những lý do khiến các tình nguyện viên ngày càng gắn bó với tổ chức. Nhờ làm việc tại STEAM for Vietnam, Thảo có cơ hội làm việc với Scratch Foundation, cha đẻ của ngôn ngữ lập trình Scratch, đóng góp ý kiến để xây dựng chương trình quy mô quốc tế được hiệu quả hơn, hoặc hợp tác với các dự án của UNICEF Việt Nam hay Trung tâm Mỹ để mang giáo dục STEAM ngày càng lan tỏa rộng khắp.
Trần Phương Thảo (ngoài cùng bên phải) và các tình nguyện viên của STEAM for Vietnam cùng đoàn học sinh dân tộc Mông ở Hà Giang trong hành trình STEAM Bus 2022 (Ảnh: NVCC).
Trong năm 2024, STEAM for Vietnam mong muốn phát triển xây dựng mạng lưới các chuyên gia trên khắp thế giới, nhằm kết nối, tạo sân chơi để những người đi trước hỗ trợ, hướng dẫn các học sinh, sinh viên thông qua chương trình Mentorship Program -Professional Network Development, không chỉ đóng vai trò hướng nghiệp, mà còn giúp các em trau dồi cả những kỹ năng mềm và mở rộng mối quan hệ trong tương lai.
Chia sẻ về cách cân bằng công việc ở phòng nghiên cứu và ở Steam for Vietnam, Thảo cho biết ngay từ những ngày đầu tiên làm việc ở vị trí vận hành, việc làm việc khoa học và biết cách phân chia công việc hợp lý đã giúp cô gái trẻ rất nhiều trong việc quản lý công việc và cân bằng trong cuộc sống. Do tính chất các tình nguyện viên của STEAM for Vietnam ở khắp nơi trên thế giới, nên mỗi tối trước khi đi ngủ hoặc mỗi sáng trước khi đi làm, Thảo đều tranh thủ kiểm tra các đầu việc và cập nhật công việc thường xuyên, để các bạn tình nguyện viên ở các múi giờ khác có thể làm việc trong lúc Thảo đi làm công việc toàn thời gian tại Viện Sức khỏe Môi trường hoặc nghỉ ngơi.
"Thực ra, đối với mình, công việc là đam mê. Cả công việc ở phòng nghiên cứu dịch tễ và công việc tại STEAM for Vietnam đều khiến mình thấy mỗi ngày trôi qua, mình đều được góp một phần công sức nhỏ bé cho cộng đồng, đặc biệt công việc tại STEAM for Vietnam, khiến mình thấy dù ở nơi nào trên thế giới, mình đều có thể cống hiến cho đất nước", cô gái trẻ chia sẻ.
Kỳ 6: Cô gái góp sức giúp người Việt chinh phục Thung lũng Silicon
Lời tòa soạn: Trong những năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục lớn mạnh cả về lượng và chất. Họ không chỉ hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại mà còn ngày càng hướng về quê hương, trở thành một bộ phận không tách rời và một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp quan trọng trong việc giới thiệu những hình ảnh đẹp về Việt Nam với bạn bè thế giới, là cầu nối quan trọng cho quan hệ Việt Nam với các nước. Và dù sống ở khắp năm châu, họ vẫn lưu giữ "hồn Việt", tiếng Việt, văn hóa Việt thông qua nhiều cách nhau.
Báo Dân trí trân trọng gửi đến quý độc giả tuyến bài "Quê hương trong tim", giới thiệu những người Việt, người gốc Việt sống ở nước ngoài luôn hướng về cội nguồn và mong ước có thể làm điều gì đó để đóng góp cho quê hương yêu dấu.
Đăng thảo luận