Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ cho biết: Ngày 15/9, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Nhóm các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh là một trong 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ khi phát biểu kết thúc hội nghị.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa; điều hòa các công trình thủy điện, thủy lợi trong xả lũ và tích nước.
Nông dân bị thiệt hại do bão Yagi.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí; Bộ Công Thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân...
Đối với ngành Ngân hàng, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng;...
Trên thực tế, ngành Ngân hàng cũng đã có những chỉ đạo kịp thời, ngay trong ngày đầu tiên đi làm sau bão số 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản số 7417/NHNN-TD chỉ đạo các TCTD và NHNN chi nhánh một số tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD, chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành…
Thống kê sơ bộ cho thấy, hàng chục nghìn tỷ đồng dư nợ của các khách hàng tại các tỉnh miền Bắc bị bão số 3 "càn quét" bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, tại Agribank sơ bộ ban đầu có khoảng 12.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, với dư nợ bị ảnh hưởng ước tính khoảng 21.000 tỷ đồng. Hay như tại VietinBank, số dư nợ bị ảnh hưởng theo ước tính ban đầu cũng lên tới 18.000 tỷ đồng.
Ông Lê Hoàng Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, theo ước tính, có gần 6.000 khách hàng của Vietcombank bị ảnh hưởng bởi bão lũ với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng tại địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng.
Hiện tại, các ngân hàng đã vào cuộc với việc giảm lãi suất tới 2%/năm so với lãi suất hiện hữu cho các khách hàng bị thiệt hại do bão lũ gây ra. Với những khoản nợ đến hạn phải trả, ngân hàng thương mại chủ động hoãn, giãn nợ cho khách hàng.
"Việc cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ giúp khách hàng kéo dài được thời hạn vay, phù hợp với nguồn thu của khách hàng, để khách hàng có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, có nguồn thu và có thể trả nợ cho ngân hàng", bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ.
Cũng theo bà Bình, Agribank là ngân hàng chủ lực đầu tư vào thị trường nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đây cũng là lĩnh vực bị thiệt hại lớn trong cơn bão số 3 và lũ lụt sau bão. Do đó, ngoài những chính sách mà Agribank đang áp dụng, trong cho vay nông nghiệp nông thôn còn áp dụng theo Nghị định số 116/2018/NĐ-CP (Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, đối với những địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên diện rộng, Agribank sẽ hướng dẫn khách hàng xác định thiệt hại, cùng với chính quyền địa phương để hoàn thiện hồ sơ, để tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để ra quyết định khoanh nợ cho khách hàng.
Về phía nhà điều hành tiền tệ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, bão Yagi gây thiệt hại nghiêm trọng đến đến người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, nhất là các hộ nuôi thủy sản bị đình trệ, thậm chí mất trắng tài sản. Do đó, những gì thuộc thẩm quyền của ngân hàng thì các ngân hàng đang nỗ lực chung tay, chia sẻ và hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đối với các khách hàng bị mất trắng tài sản và không có khả năng trả nợ cho ngân hàng, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cần được Chính phủ hỗ trợ.
Theo quy định tại Nghị định 116 năm 2018 về chính sách tín dụng phục vu phát triển nông nghiệp nông thôn, trường hợp khách hàng bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả thiên tai xảy ra trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được tổ chức tín dụng đánh giá chưa có khả năng hoặc không có khả năng trả nợ vay cho tổ chức tín dụng, UBND cấp tỉnh tổng hợp, đánh giá cụ thể thiệt hại, báo cáo Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước Bộ Tài chính để được xem xét khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại.
"Số tiền lãi tổ chức tín dụng không thu được do đã thực hiện khoanh nợ cho khách hàng được ngân sách nhà nước cấp tương ứng từ ngân sách địa phương. Trường hợp ngân sách địa phương khó khăn, UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ từ dự phòng ngân sách trung ương" - Nghị định 116 nêu.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận