Sự đổi thay của Nam Thanh hôm nay là minh chứng cho quyết tâm, nỗ lực của chính quyền và sự đồng lòng, chung sức của người dân trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới.
Xã Nam Thanh thuộc vùng bán sơn địa, nằm ở phía Bắc của huyện Nam Đàn (Nghệ An). Xã có diện tích đất tự nhiên 2226,97 ha, dân số 8.886 nhân khẩu, với 2.257 hộ, được phân bổ trên địa bàn 9 xóm. Năm 2022, Nam Thanh được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Nam Thanh tích cực giữ vững các tiêu chí đã đạt và tiến hành xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu cốt lõi của Chương trình xây dựng nông thôn mới, vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã đã quan tâm công tác chỉ đạo thực hiện. Sản xuất nông, lâm, thủy sản được đầu tư hỗ trợ phát triển, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ngày càng phát huy có hiệu quả.
Các sản phẩm đặc trưng của xã Nam Thanh.Bên cạnh sản xuất lúa, xã chú trọng phát triển sản xuất các cây màu như ngô, đậu các loại, cây rau làm hàng hóa đem lại giá trị thu nhập cao. Xã đã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 40 ha; duy trì và phát triển một số mô hình như sản xuất công nghệ cao nhà lưới, trồng bí xanh, nuôi ốc bươu thương phẩm, nuôi ếch sinh sản và các mô hình hoạt động có hiệu quả làm tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.
Xã cũng tích cực mở rộng và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như nhôm kính, đồ gỗ, mộc dân dụng, may mặc, sản xuất bún bánh... và dịch vụ du lịch. Công tác xuất khẩu lao động cũng được đẩy mạnh.
Hiện toàn xã Nam Thanh có 512 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể hoạt động ở các lĩnh vực xây dựng, dịch vụ - thương mại, vận tải, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng trăm lao động ở địa phương.
Đến cuối năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã ước đạt 7,4%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch cơ bản đúng hướng. Tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 46,19%; tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 24,56%; tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 29,26%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 57,6 triệu đồng/người/năm.
Tổng nguồn lực huy động để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã Nam Thanh là 166.182,2 tỷ đồng, trong đó nguồn đầu tư của nhân dân là 147.162,2tỷ đồng, chiếm 88,5% (nguồn xây dựng mới, nâng cấp chỉnh trang nhà ở là 136 tỷ đồng; nguồn nhân dân đóng góp bằng tiền là 11.164,2 tỷ đồng).
Khi triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, giao thông là một trong những tiêu chí được xã chú trọng. Để hoàn thiện các tuyến đường giao thông nông thôn, xã đã phân bổ 1.400 tấn xi măng cho các xóm làm đường.
Các công trình của các tổ chức, đoàn thể được phát huy hiệu quả, khơi dậy phong trào trong hội viên, đoàn viên như: Mặt trận Tổ quốc xã tổ chức xây dựng và chăm sóc 2 tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp với chiều dài 1.500m; Hội Cựu chiến binh xây dựng tuyến đường cờ và nhận chăm sóc tuyến đường chiều dài 450m; Đoàn Thanh niên đảm nhận chăm sóc vệ sinh Đài tưởng niệm và lắp đặt các biển hiệu tuyên truyền trực quan, đảm nhận 2 tuyến đường cờ trên địa bàn xã…
Diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp.Hạ tầng Internet cáp quang và thông tin di động 4G/5G bao phủ đến các hộ gia đình, các nhóm/tổ công nghệ số cộng đồng tương tác, tương trợ lẫn nhau. Nhà văn hóa được phủ sóng wifi miễn phí thuận tiện cho người dân truy cập. 100% cơ sở kinh doanh, cá nhân buôn bán có tài khoản và có dán mã QR hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt. 100% cán bộ xã, xóm có điện thoại thông minh, cài đặt và sử dụng thành thạo các ứng dụng, nền tảng số cơ bản để nắm bắt thông tin…
Có 90% người dân trong độ tuổi lao động có sử dụng điện thoại thông minh; người dân trong độ tuổi lao động được phổ cập kỹ năng số, trong đó bao gồm kỹ năng sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến để thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Trong các xóm có 3 mô hình, đó là mô hình Camera an ninh, mô hình Loa truyền thanh xóm, mô hình An ninh trật tự.
Đặc biệt, Nam Thanh tập trung xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục. Đến nay, các trường học trên địa bàn xã đều đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Cùng với đó, xã xây dựng được mô hình văn hóa đọc và thư viện xanh tại Trường Tiểu học, mô hình Trường Mầm non xanh, sạch, đẹp, an toàn thân thiện. Đây là hai mô hình đã được Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Nam Đàn công nhận là mô hình nổi trội.
Với những kết quả đạt được, cuối tháng 8 năm 2024, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định công nhận xã Nam Thanh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.
Đăng thảo luận