PGS.TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói 'Việt Nam đã có một nền công nghiệp ô tô chưa?' và lấy ví dụ 'chỉ làm được ốc vít bắt biển số xe ô tô”
Tại buổi gặp gỡ báo chí cung cấp thông tin về Triển lãm chuyên ngành công nghiệp phụ tùng và dịch vụ ô tô (Automechanika 2023) diễn ra hôm 21/2 ở Hà Nội, PGS.TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có bài phát biểu về vấn đề hạn chế của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Sản xuất Thaco (ảnh: Băng Dương)Trong đó, câu nói được tóm lược "Việt Nam mới chỉ làm được ốc vít gắn biển số xe ô tô” đang gây ra tranh cãi trong cộng đồng. Để rộng đường dư luận, hãy cùng xem lại trích đoạn bài phát biểu của ông:
"Chúng ta đặt ra một câu hỏi là: Việt Nam đã có một nền công nghiệp ô tô chưa? Có một số ý kiến nói, có chứ, tại sao không? Một số ý kiến thì hồ nghi. Còn nếu quý vị hỏi tôi thì tôi sẽ trả lời: “Yes or No”, vừa “có”, vừa “chưa có”.
Tại sao tôi lại nói như vậy? Quý vị biết là, khi đánh giá một quốc gia có một nền công nghiệp ô tô thì đầu tiên, người ta đánh giá quy mô thị trường và năng lực sản xuất nội tại của thị trường đó.
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát biểu tại họp báo triển lãm Automechanika 2023 (ảnh: Băng Dương)Thông thường theo thống kê của quốc tế, một thị trường tiêu thụ 500.000 xe/năm thì mới là thị trường ô tô hoàn hảo. Với thị trường đó, mới kéo theo được nền công nghiệp ô tô. Còn với mức tiêu thụ cỡ 200.000 ngàn xe/năm như của Việt Nam hiện nay, chủ yếu là nhập khẩu và lắp ráp, thì có được gọi là nền công nghiệp ô tô không?
Ngay Trường Hải, cũng là lắp ráp, Vinfast cũng là lắp ráp. Tại sao lai như thế?
Vì để có một nền công nghiệp ô tô (lát tôi sẽ quay lại nói về khó khăn của doanh hiệp hội chúng tôi), đầu tiên phải một nền khoa học kỹ thuật và công nghệ cơ bản. Sau đó, phải có nền công nghiệp vật liệu, phải sản xuất ra thép hợp kim.
Nhưng trên một chiếc ô tô có hơn 20.000 chi tiết linh kiện, dùng hơn 200 mác thép kim loại và Việt Nam chưa chế tạo được mã nào trong số 200 mã thép đó để có được công nghiệp ô tô. Đó là một sự thật.
Trên một chiếc ô tô sedan, hơn 200 mác thép khác nhau, thì Việt Nam chưa làm được mác thép nào. Có một thời tôi hay nói mỉa mai là, duy nhất chỉ có cái ốc vít bắt cho biển số và chỉ 6 tháng sau, nó rỉ mất rồi. Chúng ta chưa có công nghiệp ô tô vì không có nền khoa học cơ bản. Công nghiệp ô tô là ngành tích hợp của rất nhiều ngành khoa học cơ bản, như ngành vật liệu, động lực học, điện, điện tử, môi trường sinh thái…”.
Ngoài ra, ông Phan Đăng Tuất cũng chỉ ra rằng hiện nay nhiều cơ sở chế tạo phụ tùng cũng gặp một số rào cản khi bán sản phẩm. Đến hết năm 2023, dự kiến chỉ có 38 đơn vị sở hữu chứng chỉ IATF 16949 (bộ tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng dành riêng cho công nghiệp ô tô được Hiệp hội Ô tô Quốc tế công nhận). Con số kể trên được đánh giá quá ít để thúc đẩy nền công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
Băng Dương (ghi)
Mọi bài viết đóng góp về ngành công nghiệp ô tô xin gửi về email: [email protected]. Xin cảm ơn!
Đăng thảo luận