Thị phần xe lắp ráp luôn chiếm hơn 50% toàn thị trường nhiều năm qua, nhưng nửa đầu 2024, cán cân với xe nhập là cân bằng.
Thị trường ôtô Việt Nam phân chia theo nguồn gốc gồm xe sản xuất (hãng tự phát triển sản phẩm, ví dụ VinFast), xe lắp ráp (hãng lắp xe theo bản quyền sản phẩm từ hãng mẹ, ví dụ các hãng liên doanh) và xe nhập khẩu.
Xe sản xuất, lắp ráp trong nước nói chung thường có giá bán dễ tiếp cận hơn xe nhập cùng phân khúc. Nguồn cung sẵn hơn, vận chuyển nhanh hơn cùng các chính sách ưu đãi của nhà nước thường được ưu tiên, xe sản xuất, lắp ráp trong nước ba năm trở lại đây luôn có thị phần nhỉnh hơn xe nhập. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), thị phần của hai loại xe này trở nên cân bằng ở nửa đầu 2024.
Theo số liệu VAMA, xe lắp ráp sau 6 tháng đầu 2024 bán ra 67.849 xe, giảm 15% so với cùng kỳ 2023. Ngược lại, xe nhập khẩu tăng 16%, bán ra 67.035 xe.
Với thương hiệu Hyundai do Thành Công phân phối, doanh số xe lắp ráp đạt 18.177 xe sau nửa đầu 2024, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2023. Số liệu này không tính xe thương mại bởi liên doanh Hàn Quốc gộp chung lượng bán xe nhập khẩu và xe lắp ráp. Doanh số Hyundai Creta nửa đầu 2023 tạm tính thuộc xe lắp ráp vì hãng bán bản nội địa từ tháng 4.
Ngược với các hãng thuộc VAMA và Hyundai Thành Công, doanh số của VinFast tại Việt Nam chỉ toàn xe sản xuất trong nước, đạt khoảng 20.000 chiếc sau nửa đầu 2024, tăng 71% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng xe của VinFast chia đôi cho cả xe cá nhân và các hãng taxi.
Thị trường nửa đầu 2024 và 2023 có một điểm chung là phần lớn khách hàng đều trông chờ chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Điều này dẫn đến thanh khoản các dòng xe lắp ráp tại đại lý có xu hướng chậm lại. Khác biệt ở chỗ, 6 tháng đầu 2023, doanh số xe lắp ráp chiếm khoảng 57,9%, cao hơn nhiều mức 42,1% của xe nhập. Nhưng đến cùng kỳ 2024, xe lắp ráp giảm xuống còn 50%, bằng với xe nhập.
"Các hãng vẫn duy trì các dòng xe lắp ráp trong nước nhưng thị trường cũng xuất hiện nhiều dòng xe nhập khẩu mới", trưởng phòng bán hàng một đại lý xe Nhật tại TP HCM, cho biết, thêm rằng "đóng góp không nhỏ về quy mô của xe nhập năm nay là xe Trung Quốc".
Với xe Trung Quốc, hàng loạt thương hiệu của nước này đổ bộ vào Việt Nam thời gian qua như Hongqi, Beijing, Haval, BYD, Lynk & Co, Haima, GAC và sắp tới là Omoda, Jaecoo (thuộc Chery), Aion. Riêng MG, thương hiệu thuộc sở hữu của SAIC (Trung Quốc), đổi nhà phân phối từ giữa 2023 và bắt đầu tăng trưởng doanh số từ đó đến nay nhờ cách định giá xe thấp, trang bị hấp dẫn.
Sức ảnh hưởng lên thị trường của xe Trung Quốc hiện còn nhỏ nhưng cũng khiến nhiều đối thủ dè chừng. Theo số liệu của tổng cục thống kê, lượng xe Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam sau nửa đầu 2024 đạt 14.729 chiếc, tăng 152% so với cùng kỳ 2023.
Lượng xe nhập khẩu từ Indonesia vào Việt Nam nửa đầu 2024 là 32.797 chiếc, tăng 26%. Riêng xe từ Thái Lan giảm 27%, đạt 23.736 chiếc. Ba nước theo thứ tự gồm Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc xuất khẩu ôtô vào Việt Nam nhiều nhất, gồm cả xe con và xe thương mại.
Trong ba năm trở lại đây, tính riêng mảng xe con, Ford đưa Ranger về lắp ráp tại nhà máy ở Hải Dương cùng một số phiên bản vẫn duy trì nhập Thái Lan. Territory được liên doanh Mỹ lắp ráp ngay từ đầu.
Bên cạnh đó là Toyota khi hãng này chuyển từ nhập Indonesia sang lắp ráp Avanza, Veloz. Hyundai Thành Công sau thời gian đầu bán Creta nhập chuyển sang lắp ráp tại nhà máy ở Ninh Bình. Hay Trường Hải nội địa hóa một số dòng BMW.
Ở mảng xe nhập khẩu, có nhiều cái tên mới xuất hiện trên thị trường như Toyota Yaris Cross, Mitsubishi Xforce ở phân khúc CUV cỡ B, Honda BR-V, Hyundai Stargazer ở phân khúc MPV cỡ nhỏ. Những mẫu xe lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường hầu hết đều là xe nhập khẩu.
Mẫu Mitsubishi Xforce nhập khẩu lăn bánh tại TP HCM. Ảnh: Thành Nhạn
Khi thị trường đón nhận thêm nhiều mẫu xe nhập mới, khách hàng nhờ đó có thêm lựa chọn để cân nhắc. Trong khi xe lắp ráp bị ảnh hưởng bởi tâm lý của khách hàng trì hoãn mua xe, chờ ưu đãi lệ phí trước bạ, xe nhập khẩu duy trì nhiều ưu đãi để hút khách.
Năm 2024, giá nhiều mẫu xe nhập khẩu được điều chỉnh nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Ví dụ như trường hợp của Yaris Cross, hãng giảm giá bán lẻ 73-80 triệu đồng, thu hẹp khoảng cách giá chênh so với các đối thủ. Mitsubishi Xforce là xe Nhật nhưng không theo truyền thống, thiết lập giá ngang bằng với các mẫu xe Hàn như Hyundai Creta, Kia Seltos.
Ưu đãi lệ phí trước bạ có thể được Chính phủ triển khai từ 1/8 tới và kéo dài đến hết tháng 1/2025. Nếu điều này được thực thi, xe sản xuất, lắp ráp có cơ hội lấy lại đà tăng doanh số. Ở chiều ngược lại, để tăng tính cạnh tranh, xe nhập khẩu nhiều khả năng đẩy mạnh khuyến mãi để chạy đua với xe lắp ráp. Thị trường ở phần còn lại của 2024 vì thế hứa hẹn sôi động hơn.
Phạm Trung
Đăng thảo luận