Nuôi loài ngủ ngày cày đêm, chỉ mê rau củ, nhẹ nhàng đút túi 6 tỷ đồng/năm
(Dân trí) - Bỏ nghề xây dựng, 9 năm qua anh Chúc đánh liều gây nuôi nhiều loại động vật hoang dã như dúi, don, chồn mốc... Hướng đi mới mẻ này giúp anh nông dân đút túi 5-6 tỷ đồng/năm.
Làm giàu từ loài gặm nhấm
Gần 10 năm theo đuổi nghề chăn nuôi động vật hoang dã, anh Nguyễn Văn Chúc (51 tuổi, quê gốc ở Nam Định) đã sở hữu 3 trang trại ở Hà Nội, Đồng Nai và Cần Thơ. Trong đó trại ở Cần Thơ tọa lạc trên quốc lộ 91 (quận Bình Thủy), rộng 1.000m2 đang nuôi nhốt hơn 300 cá thể chồn mốc, don và dúi bố mẹ.
Anh nông dân nuôi động vật hoang dã kiếm 6 tỷ đồng/năm (Clip: Bảo Kỳ).
Tận dụng không gian trước kia là nhà xưởng, anh Chúc thiết kế thành khu nuôi nhốt các loài thú với 2 khu chính gồm các hộc nuôi dúi, còn lại là chuồng nuôi don và chồn mốc. Không gian chăn nuôi sạch sẽ, rộng rãi giúp con giống khỏe mạnh, ít mùi hôi.
Anh Chúc chia sẻ, tùy tập tính từng loại mà anh xây chuồng khác nhau. Con dúi ưa đào hang nên làm chuồng bằng gạch lát sàn, riêng chồn và con don nên nuôi trong lồng sắt, bên trong để một chiếc hộp làm chỗ ngủ nghỉ.
Anh Chúc khởi nghiệp thành công từ con dúi, sau đó chuyển sang nuôi chồn mốc và con don (Ảnh: Bảo Kỳ).
"Các loài gặm nhấm này có đặc tính ngày ngủ đêm thức nên việc cho ăn khá thuận tiện. Nguồn thức ăn của chúng khá dễ tìm và tương đồng nhau nên tôi quyết định nuôi ba loài vật này chung một trại", anh Chúc nói.
Anh Chúc cho biết, trước khi chuyển sang làm nông, anh từng có thời gian dài gắn bó với nghề xây dựng. Khoảng 9 năm trước, trong một lần đi xây nhà ở Tây Bắc, anh thấy gia chủ nuôi dúi. Thời gian ở đó anh nắm được kỹ thuật, lợi nhuận từ việc chăn nuôi loài "chuột tre". Từ những điều tai nghe, mắt thấy, anh quyết định bỏ nghề xây, chuyển sang làm trang trại nuôi dúi.
Thức ăn ưa thích của chồn mốc là chuối chín. Buổi tối anh Chúc sẽ cho chồn ăn thêm cháo gà, vịt, ruột heo (Ảnh: Bảo Kỳ).
"Ban đầu tôi mua 10 cặp dúi nuôi sau nhà. Một thời gian sau dúi sinh sản, tôi bán được lợi nhuận và tăng đàn thêm. Trong quá trình nuôi có lỗ lã, thất thoát nhưng nhờ tìm hiểu trên mạng, bạn bè chăn nuôi tôi biết được cách phòng ngừa bệnh cho dúi, cách giúp dúi khỏe mạnh, tăng trưởng đều đều nên trang trại ngày một phát triển hơn", anh Chúc kể.
Sau thành công từ con dúi, anh Chúc tiến tới nuôi chồn mốc sau đó kết hợp nuôi thêm con don.
Con don hay còn gọi là con hon hoặc nhím đuôi dài, phần đầu nhọn giống như chuột nhưng thân có gai như nhím. So với nhím, con don nhỏ hơn và có đuôi, lông gai thô, ngắn và dẹp, trọng lượng trung bình khoảng 3-5kg.
Con don thuộc họ nhím. Ở miền Bắc, thịt con don rất được ưa chuộng (Ảnh: Bảo Kỳ).
Với kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, anh Chúc đánh giá cả ba loài gồm dúi, don và chồn mốc đều dễ nuôi, chi phí cho ăn rất thấp. Ban ngày thức ăn của chồn mốc là chuối chín, đối với con don là khoai lang, bắp, bí đỏ, đu đủ... riêng con dúi là tre, mía, bắp khô. Đến 6h tối, anh Chúc sẽ cho don và chồn mốc ăn thêm cháo đầu gà, ruột heo... để bổ sung đạm cho vật nuôi.
Thu lãi tiền tỷ
Về sinh sản, các loài vật anh nuôi khoảng 1 năm đã có thể phối giống. Con dúi mỗi năm cho sinh sản 3 lần, mỗi lứa từ 2-6 con. Don và chồn mỗi năm cho sinh sản 2 lần, mỗi lần khoảng 3-5 con, cũng có con chỉ đẻ 1-2 con/lứa.
Với những con don hoặc chồn mẹ đẻ ít, anh Chúc sẽ lựa chọn bán thương phẩm. Anh Chúc luôn sàng lọc những con giống chất lượng mới cho ghép cặp.
"Thời gian cho sinh sản và bán thương phẩm đều cùng khoảng 1 năm. Dúi má đào nuôi khoảng 1 năm đạt trọng lượng từ 3-5 kg/con, don 4-5 kg/con, chồn 7-8 kg/con có thể xuất bán", anh nông dân tỷ phú nói.
Trại nuôi động vật hoang dã giúp anh Chúc kiếm 5-6 tỷ đồng/năm (Ảnh: Bảo Kỳ).
Hiện anh Chúc cung cấp con giống và thương phẩm từ Bắc tới Nam. Dúi má đào có giá bán từ 500.000-800.000 đồng/kg tùy giống, don giá từ 1,4-1,6 triệu đồng/kg, chồn mốc giá 1,8-2 triệu đồng/kg. Với 3 trang trại nuôi các loại chuột hoang dã đang sở hữu, ước tính lợi nhuận mỗi năm anh Chúc kiếm được 5-6 tỷ đồng.
Chia sẻ với PV Dân trí, anh Chúc bộc bạch: "Nhớ lại năm đó tôi cũng thật liều lĩnh, dám bỏ việc về làm chăn nuôi. Thật may mắn là tôi đã thành công.
Tôi mở rộng trang trại ở miền Tây một phần vì thời tiết ở đây thuận lợi, nguồn thức ăn phong phú, mặt khác mong muốn giúp bà con địa phương phát triển kinh tế thông qua mô hình chăn nuôi những loài vật độc, lạ".
Đăng thảo luận