Phe cực hữu thoát cảnh "ngoài lề" trong nền chính trị châu Âu

(Dân trí) - Với kết quả ấn tượng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua, các đảng cực hữu - dân túy châu Âu tiếp tục khẳng định họ là thế lực chính trị đáng gờm.

Phe cực hữu thoát cảnh "ngoài lề" trong nền chính trị châu Âu  第1张Lãnh đạo đảng Tập hợp Quốc gia Pháp (RN) Marine Le Pen phát biểu trong một sự kiện năm 2022. Bà đang là gương mặt hàng đầu của phe cực hữu châu Âu hiện nay (Ảnh: Reuters).

Các đảng cực hữu từng bị coi là những đối tượng "ngoài lề" trong nền chính trị châu Âu. Các đảng khác từ chối liên minh với họ, ngăn không cho các đảng này tham gia nắm quyền. Trong bầu cử, cử tri chấp nhận lựa chọn ứng viên đảng khác để ngăn các chính trị gia cực hữu có ghế trong quốc hội.

Tình thế đã thay đổi. Tại Italy, đảng Anh em Italy (FdI) của Thủ tướng Giorgia Meloni đã nắm quyền từ tháng 10/2022. Trong khi đó, đảng Tập hợp Quốc gia Pháp (RN) đang đứng trước cơ hội lần đầu nắm ghế thủ tướng nếu thể hiện vượt kỳ vọng trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới.

"Phe cực hữu đang nổi lên trên khắp châu Âu, dù không phải ở mọi nơi", ông Patrick Chamorel, chuyên gia về chính trị châu Âu và chủ nghĩa dân túy tại chi nhánh Trung tâm Stanford ở Washington (Mỹ), chia sẻ với Dân trí.

Sự vươn lên mạnh mẽ

Theo kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu hồi đầu tháng này, phe cực hữu - dân túy đạt được thành công đáng kể ở hàng loạt quốc gia chủ chốt trong EU. Tại Pháp, đảng Tập hợp Quốc gia của bà Marine Le Pen giành được hơn 30% số phiếu bầu, nhiều hơn gấp đôi so với liên minh trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron.

Tại Đức, bất chấp một số vụ lùm xùm trước bầu cử, đảng cực hữu AfD vẫn giành thêm bốn ghế so với cuộc bầu cử trước đó, vượt qua đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz. Tại Áo, đảng Tự do cực hữu cũng vươn lên vị trí dẫn đầu. Tại Italy, đảng Anh em Italy tiếp tục thể hiện ấn tượng, tăng gấp bốn lần số ghế từ 6 lên 24.

Tuy nhiên, không phải tại quốc gia nào phe cực hữu cũng giành chiến thắng. Tại Bắc Âu, các đảng cánh tả vươn lên, trong khi phe cực hữu mất ghế.

Trao đổi với Dân trí, cả ông Chamorel và giáo sư Ben Wellings (Đại học Monash, Australia) đều nhận định bầu cử Nghị viện châu Âu về bản chất là 27 cuộc bầu cử quốc gia.

"Tại Pháp, họ giành chiến thắng lớn. Ở các nơi khác, họ giành chiến thắng nhỏ hơn, thậm chí không thắng. Đây là điều phụ thuộc vào các quốc gia", ông Chamorel nói. "Bầu cử châu Âu thường là cuộc trưng cầu dân ý đối với đương kim tổng thống, thủ tướng hoặc phe đa số trong Quốc hội".

Đây chính là lý do khiến các đảng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử lần này. Trong khi đó, đảng của Thủ tướng Italy Meloni thắng lớn - các cuộc thăm dò dư luận kể từ khi bà nắm quyền năm 2022 đều cho thấy bà luôn được cử tri ủng hộ mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, các đảng cực hữu - dân túy cũng khai thác bất đồng trong lòng châu Âu và chiến sự tại Ukraine để thu hút phiếu của những cử tri lo ngại về tình hình an ninh hay khả năng binh sĩ nước mình phải trực tiếp tham chiến.

"Điều gì đã thay đổi trong những năm gần đây? Đó chính là nhập cư và tội phạm gia tăng. Tình hình tội phạm tại Pháp hay Thụy Điển đã bùng nổ trong những năm qua", ông Chamorel nói. "Người dân muốn ít người nhập cư hơn và ít tội phạm hơn. Người dân đã nhận ra nhập cư và tội phạm là vấn đề thực sự".

Thay đổi để hấp dẫn hơn

Phe cực hữu thoát cảnh "ngoài lề" trong nền chính trị châu Âu  第2张Một cuộc vận động của đảng Anh em Italy (FdI) tại Rome. Từ khi nắm quyền năm 2022 đến nay, các chính sách của đảng đã có xu hướng "mềm" hơn so với các tuyên bố trước đó (Ảnh: Reuters).

Bản thân các đảng cực hữu cũng tự có những thay đổi để trở nên thu hút hơn trong mắt các nhóm cử tri truyền thống. Đối với đa phần người dân - ngoại trừ phe cánh tả - các đảng cực hữu đã không còn bị coi là thành phần nguy hiểm như xưa.

"Đảng Tập hợp quốc gia dưới quyền bà Marine Le Pen gần như đã chấm dứt những phát ngôn bài Do Thái trong đảng - vốn nổi trội dưới thời đảng Mặt trận Quốc gia tiền thân được lãnh đạo bởi cha bà, Jean Marie", giáo sư Wellings nói. "Việc đảng đổi tên phần nào là nỗ lực giúp đảng trở nên dễ chấp nhận trong mắt số đông cử tri hơn".

Theo ông Chamorel, các đảng cực hữu đã học được bài học từ những vấn đề mà Brexit đem đến với nước Anh. Do đó, họ không còn muốn đưa đất nước mình rời khỏi EU mà muốn thay đổi châu Âu bên trong khuôn khổ EU.

Dù vậy, có những đảng phái vẫn chưa thay đổi. Ông Maximilian Krah, một lãnh đạo cấp cao của AfD, hồi tháng 5 tuyên bố các thành viên tổ chức SS của phát xít Đức "không phải đều là tội phạm". Ông Krah sau đó đã từ chức khỏi ban lãnh đạo AfD.

Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Các kết quả thăm dò dư luận cho thấy đảng Tập hợp Quốc gia sẽ giành chiến thắng, dù chưa chắc đã giành được đa số tuyệt đối.

Theo ông giáo sư Wellings, thành công trong bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ là cơ sở giúp các đảng cực hữu tăng uy tín nhưng cũng có khả năng thành công này chỉ đến từ việc cử tri muốn bày tỏ sự phản đối với phe cầm quyền. Trong khi đó, ông Patrick cho rằng chính những thay đổi trong nền chính trị nội bộ mới dẫn đến kết quả bầu cử ở tầm châu lục, thay vì ngược lại.

"Theo tôi, chừng nào vấn đề nhập cư còn xảy ra ở Tây Âu, chừng nào người dân vẫn còn chỉ trích giới tinh hoa, tình trạng này sẽ còn tiếp tục", ông Chamorel phân tích.

Dù vậy, đà thăng tiến của phe cực hữu - dân túy cũng sẽ đến lúc đảo ngược. Theo ông Chamorel, kể cả khi các đảng cực hữu giành được quyền lực, họ cũng không thể nắm quyền mãi mãi. Cộng hòa Séc và Ba Lan là hai ví dụ tiêu biểu cho xu thế này.

Tại Cộng hòa Séc, phe dân túy của cựu Thủ tướng Andrej Babiš cầm quyền sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2017 nhưng chỉ tại vị được một nhiệm kỳ. Trong khi đó, đảng Luật pháp và Công lý (PiS) tại Ba Lan cũng vừa thất bại trong bầu cử Quốc hội năm 2023, chấm dứt gần một thập niên cầm quyền.

"Các đảng có thể khiến cử tri thất vọng và mất quyền lực", ông Chamorel chỉ ra.