Bỏ việc ở doanh nghiệp Nhật, 8X kiếm trăm triệu đồng mỗi tháng
(Dân trí) - Nhờ tận dụng những nguyên liệu thiên nhiên, Thư Sinh đã kết hợp vào món đồ nội thất hiện đại, giúp bản thân khởi nghiệp thành công sau khi bỏ công việc văn phòng.
Khởi nghiệp với số vốn 10 triệu đồng
"Mình đã bỏ ra số vốn 10 triệu đồng để đổi lấy doanh thu 100 triệu đồng trong một tháng đầu khởi nghiệp với các sản phẩm thủ công mây tre lá như thế nào?", chị Võ Thị Thư Sinh (34 tuổi, ngụ TPHCM) nói trong đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội.
Từ nhân viên văn phòng với mức lương mơ ước, Thư Sinh chấp nhận bỏ ngang để khởi nghiệp lĩnh vực đồ nội thất (Ảnh: Nguyễn Vy).
Trước đây, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành marketing, Thư Sinh đã bắt đầu đi làm việc tại một công ty truyền thông của Nhật. Nhanh chóng, cô gái gặt vị trí công việc mong muốn và mức lương nhiều người mơ ước. Thế nhưng, Sinh lại cảm thấy không hạnh phúc sau những giờ tan ca.
"Người ngoài nhìn vào thấy tương lai mình tươi sáng, có cuộc sống mơ ước. Nhưng tôi chợt nhận ra mình không hợp với nghề này. Vốn dĩ, tôi yêu thích kinh doanh hơn", Sinh nói.
Ngày Sinh thông báo nghỉ việc, ai nấy trong công ty đều bất ngờ. Không chỉ đồng nghiệp, gia đình cũng phản đối vì Sinh chọn khởi nghiệp vô cùng gian nan.
Bắt đầu bằng số tiền tích góp nhiều năm đi làm, Sinh khởi nghiệp ở lĩnh vực mỹ phẩm nhưng thất bại. Con số thua lỗ lên đến hơn 100 triệu đồng, cô gái sụp đổ và rơi vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Thế nhưng, Sinh không bỏ cuộc mà tìm đến cơ hội mới hơn.
Vì không có nhiều kinh nghiệm về nghề truyền thống, Sinh gặp không ít khó khăn trong việc tìm nguồn hàng (Ảnh: Nguyễn Vy).
Cô gái 8X bắt đầu lập nghiệp lại thông qua mô hình cho thuê căn hộ dịch vụ. Trong lúc đi tìm nội thất cho căn nhà, cơ duyên đưa Sinh tới những món đồ mây tre đan.
"Lúc ấy, không biết động lực nào thôi thúc tôi phải bay ra tận miền Bắc, đi khắp 10 quận, huyện ở Hà Nội, dọc vào miền Trung và miền Nam để tìm cho ra làng nghề gia công các sản phẩm mây tre lá.
Khi tận mắt chứng kiến, tôi mới nhận ra mặt hàng này quá đẹp nhưng chưa được khai thác tối đa về giá trị. Từ đó, tôi quyết tâm phải làm cái gì đó để nâng tầm giá trị đồ thủ công Việt, đưa các sản phẩm này ứng dụng vào cuộc sống hiện đại", Sinh chia sẻ.
Cô gái lặn lội khắp các tỉnh, thành để tìm ra làng nghề gia công các sản phẩm ưng ý nhất (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Năm 2018, Sinh bắt đầu lại hành trình khởi nghiệp khi trong tay chỉ có 10 triệu đồng. Những tưởng sẽ vô cùng chật vật, nhưng những sản phẩm thủ công từ mây tre tạo thành các món đồ nội thất tinh xảo đã thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng.
Chỉ trong tháng đầu khởi nghiệp, Sinh đã đạt doanh thu 100 triệu đồng, bằng cách tái đầu tư. Dần dần, trong những tháng đỉnh điểm, doanh thu của cô gái có thể đạt đến 500 triệu đồng/tháng.
Khách hàng của Sinh ở khắp cả nước, thậm chí khách Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn chọn dùng những sản phẩm này vì sự gần gũi, mộc mạc.
Thay đổi tư duy làm nghề truyền thống
Xuất phát từ tình yêu cái đẹp, Sinh cho hay bản thân đã "phải lòng" những sản phẩm thủ công ngay từ lần gặp đầu tiên. Tuy nhiên, khởi nghiệp ngành này có nhiều đặc thù, rất chú trọng và phụ thuộc vào yếu tố con người, cụ thể là người thợ gia công.
Đến nay, các mặt hàng thủ công đều được tuyển chọn và sản xuất từ những làng nghề ở cả 3 miền, do chính tay thợ lành nghề gia công. Mỗi miền đều có thế mạnh vùng nguyên liệu riêng, miền Bắc sẽ có thế mạnh về tre, miền Trung là mây và miền Nam là lục bình. Tuy nhiên, đôi lúc cô gái 8X cũng "hồi hộp" khi luôn phải đảm bảo chất lượng sản phẩm theo đúng hướng.
Thư Sinh cho biết đã tạo thêm việc làm, lợi nhuận cho người thợ (Ảnh: Nguyễn Vy).
"Giống như nông nghiệp, khi được mùa sẽ mất giá, thì ngành nghề này nếu được mùa thì hiếm hàng. Vì một sản phẩm thủ công phải mất rất nhiều thời gian để làm, trong đó mất 10-15 ngày chỉ để xử lý nguyên vật liệu. Số lượng nhiều thì người thợ họ làm không xuể, dẫn đến việc nguồn hàng có thể không đủ", chị Sinh nói.
Ngoài những khó khăn trên, Sinh vẫn luôn tự hào vì đã góp phần thay đổi một cơ sở chuyên làm nón lá sang làm đèn tre với giá trị kinh tế cao hơn và độ ứng dụng thiết thực hơn.
"Cái nón này phải đan nhiều lớp, rất kỹ, đường đan nhỏ, mịn, sau đó sẽ được phủ nhiều lớp lá lên trên để thành cái nón. Tuy nhiên, cái đẹp nhất của cái này không phải ở phần cái lá, mà ở phần khung, được làm từ sợi nan rất mỏng, dẻo dai lại đẹp mắt, không cứng như tre, không thô như mây.
Lúc đó tôi mới nảy ra ý tưởng chỉ dừng ở công đoạn đầu, đan thêm sợi tua rua để tạo chụp đèn phong cách Boho (hoang dã), rồi khoét lỗ phía trên, gắn thêm bóng đèn ở giữa tạo nên một sản phẩm nội thất trong nhà", Sinh kể.
Không chỉ trong nước, những khách hàng nước ngoài cũng ưa chuộng sản phẩm truyền thống kết hợp hiện đại này (Ảnh: Nguyễn Vy).
Mất hết 1 tháng, chị mới thuyết phục được người ở các cơ sở nghề nón lá đổi mô hình kinh doanh. Không lâu sau, khi thấy mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường, người dân đã chuyển sang gia công nón làm đèn, song song với việc làm nón lá.
Đạt được doanh số bán hàng cao, lại giúp được nhiều người thợ tăng thu nhập, Sinh cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Mặc dù không ít lần tủi thân vì khởi nghiệp một mình, đôi lần gục ngã vì khó khăn, Sinh vẫn lấy động lực là chính bản thân để tiếp tục.
"Khi khởi nghiệp, người trẻ cần biết mình cần gì, thích gì và trang bị kiến thức đầy đủ về lĩnh vực đó. Từ đó, chúng ta cứ làm thôi, mọi thứ sẽ dẫn dắt mình đi từ từ", chị Sinh tâm đắc.
Chị Mai Thị Mai (chủ cơ sở sản xuất mây tre đan tại tỉnh Thái Nguyên) cho biết, sự thay đổi mô hình kinh doanh từ nón lá thành chao đèn, đã giúp cho nhân công lớn tuổi tại địa phương tăng thu nhập từ 15-20%. Bên cạnh đó, các sản phẩm ở làng nghề cũng trở nên đa dạng, phong phú hơn trên thị trường.
"Thư Sinh là một trong những khách hàng quen thuộc đối với làng nghề. Cô gái đã góp phần thay đổi một sản phẩm vốn quen thuộc tại địa phương, thành một sản phẩm sang tính sáng tạo, mới lạ, ứng dụng ở phạm vi rộng hơn", chị Mai nói.
Đăng thảo luận