Kiểm tra ADN hé lộ người dân thời Đồ đồng ở vùng viễn tây Trung Quốc cách đây 3.500 năm sản xuất phô mai kefir, thách thức hiểu biết hiện nay về chế độ ăn cổ đại.
Xác ướp thời Đồ đồng ở lòng chảo Tarim. Ảnh: Wenying Li
Các nhà khoa học phát hiện loại phô mai cổ nhất thế giới, có niên đại 3.500 năm, chôn cùng xác ướp ở lòng chảo Tarim thuộc vùng viễn tây Trung Quốc, Live Science đưa tin. Nhóm nghiên cứu tìm ra ADN của dê và vi khuẩn lên men từ mẫu vật thời Đồ đồng rải rác quanh cổ xác ướp trong quan tài ở nghĩa trang Xiaohe tại khu tự trị Tân Cương. Dường như dân cư ở Xiaohe chủ động học hỏi chăn nuôi động vật từ nền văn hóa thảo nguyên và sản phẩm từ sữa lên men liên quan là phô mai kefir trở thành một phần quan trọng của Xiaohe, sau đó lan rộng hơn vào nội địa Đông Á.
Nhóm nghiên cứu đến từ Viện Hàn lâm Khoa học, Bệnh viện số 3 Đại học Bắc Kinh, Viện khảo cổ và di sản văn hóa Tân Cương và Đại học Tân Cương công bố phát hiện trên tạp chí Cell hôm 25/9. Kefir là loại đồ uống lên men làm từ sữa và hạt kefir, loãng hơn so với sữa chua uống. Nó được chắt lọc để sản xuất một loại phô mai mềm. Ba mẫu vật từ sữa phân tích trong nghiên cứu được xác định là phô mai kefir do lượng protein dồi dào từ sữa động vật nhai lại, vi khuẩn axit lactic và nấm men trong mẫu vật.
Lòng chảo Tarim, sa mạc trống trải ở Tân Cương, ngôi nhà của những xác ướp thời Đồ đồng có niên đại cách đây khoảng 3.300 - 3.600 năm. Dáng vẻ phương Tây đặc trưng, trang phục và hoạt động trang trại của họ, bao gồm chăn nuôi gia súc, trồng lúa mỳ và làm phô mai kefir khiến các nhà khoa học bối rối suốt nhiều thập kỷ. Giới nghiên cứu muốn tìm hiểu nguồn gốc di truyền và tổ tiên của xác ướp.
Năm 2021, một nhóm nhà khoa học quốc tế phát hiện xác ướp là hậu duệ trực hệ của người cổ đại sinh sống ở phía bắc đại lục Á Âu, không phải người mới đến khu vực. Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học nhận thấy phô mai kefir làm từ sữa bò và dê, phù hợp với ghi chép lịch sử về hoạt động sản xuất kefir bằng sữa động vật nhai lại. Theo họ, quá trình sản xuất phô mai giảm đáng kể lượng lactose, giúp người Xiaohe vốn không thể dung nạp lactose do di truyền, tiêu thụ sản phẩm từ sữa. Sản xuất phô mai kefir nhiều khả năng là biện pháp không chỉ giúp kéo dài hạn sử dụng của sữa thô mà còn giảm hội chứng ruột kích thích gây ra bởi lactose.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Fu Qiaomei, phát hiện cũng chứng minh ý kiến văn hóa kefir tồn tại ở vùng Tân Cương từ thời Đồ đồng, thách thức quan niệm lâu nay cho rằng đồ uống từ sữa lên men có nguồn gốc từ vùng Bắc Caucasus, ngày nay là Nga. Sự phát tán rộng của kefir chắc chắn đi kèm tương tác văn hóa do có nhiều bằng chứng khảo cổ cho thấy có sự trao đổi chéo giữa quần thể dân cư ở Tân Cương thời Đồ đồng và Tây Tạng. Do kefir chỉ có thể sản xuất thông qua ủ sữa với hạt kefir, vi khuẩn lên men đóng vai trò như đại diện lý tưởng để theo dõi lịch sử sản xuất kefir.
Fu, giám đốc phòng thí nghiệm cổ sinh vật học phân tử ở Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết phát hiện phô mai cổ đại cung cấp cơ hội hiếm có nhằm hiểu rõ chế độ ăn và nền văn hóa xa xưa do bảo quản thức ăn qua hàng nghìn năm cực kỳ khó khăn.
An Khang (Theo Live Science)
Đăng thảo luận