Trung bình cứ 10 người Việt Nam có 9 thuê bao băng rộng di động, phần lớn là thuê bao sử dụng smartphone.
Tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm sáng 29/7, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tỷ lệ người sử dụng Internet tại Việt Nam ước đạt 78,1%. Trong đó, số thuê bao ở cả hình thức băng rộng cố định và di động đều tăng mạnh.
Cụ thể, số thuê bao băng rộng di động tăng tăng 7,6% so với cùng kỳ 2023, đạt trung bình 91,9 trên 100 dân. Đây cũng là lần đầu tỷ lệ này trên 90%, vượt mục tiêu 87,5% của Bộ trong 2024.
Trong khi đó, trong 120 triệu thuê bao di động tại Việt Nam có 100,7 triệu sử dụng smartphone, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một người lớn tuổi ở Đà Nẵng làm quen sử dụng điện thoại thông minh. Ảnh: Nguyễn Đông
Về băng rộng cố định, số thuê bao đạt mức 23,5 trên 100 dân, tăng 6,8% và đạt 96% kế hoạch năm. Trong số này, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang là 82,2%.
Tuy nhiên, số lượng người chưa sử dụng hạ tầng Internet vẫn ở mức "tương đối lớn". Tại tọa đàm về tắt sóng 2G do Cục Viễn thông ngày 18/7, Cục cho biết vẫn còn khoảng 11 triệu thuê bao sử dụng điện thoại 2G Only, tức chỉ hoạt động trên mạng 2G và chưa tiếp cận với Internet băng rộng di động. Cơ quan quản lý, nhà mạng và đại lý bán điện thoại cho biết đang thực hiện các biện pháp nhằm phổ cập thiết bị 4G trước thời hạn tắt sóng 2G vào 15/9.
Ngoài ra, để tăng chất lượng Internet di động, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết từ tháng 5 đã thực hiện việc thống kê và công bố dữ liệu đánh giá tốc độ băng rộng cố định và băng rộng di động của từng nhà cung cấp tại các tỉnh thành và trên cả nước. Từ cuối tháng 7, hệ thống i-Speed bổ sung số liệu đến cấp xã, phường. Việc này giúp nâng tính minh bạch, giúp người dân, tổ chức tham khảo và lựa chọn dịch vụ, nhà mạng theo nhu cầu, từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ truy cập Internet tại Việt Nam.
Trong nửa đầu 2024, Bộ đã tổ chức đấu giá tần số 5G, trao giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho Viettel và VNPT. Ngoài ra, vấn đề sim rác cũng được yêu cầu xử lý, xem xét dừng phát triển thuê bao mới đối với doanh nghiệp vi phạm và đề xuất hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu doanh nghiệp nếu để xảy ra tình trạng sim được phát triển không đúng quy định.
Trong sáu tháng cuối năm, Bộ cho biết sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý về viễn thông, triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng mạng di động, cáp quang quốc tế, phát triển hạ tầng viễn thông và tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 700 MHz.
Lưu Quý
Đăng thảo luận