UBND tỉnh Tây Ninh vừa lập kế hoạch làm giai đoạn II của dự án thủy lợi tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông với tổng vốn 600 tỉ đồng.

Tây Ninh: Cần 600 tỉ đồng để làm dự án thủy lợi phía sông Vàm Cỏ Đông  第1张

Siêu dự án thủy lợi ở Tây Ninh, đường ống khổng lồ đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông - Ảnh: CHÂU TUẤN

Trong tổng vốn để dự án thủy lợi tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, có 100 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương đã được phân bổ. Phần còn lại tỉnh Tây Ninh đang chờ nguồn vốn trung ương phân bổ. Giai đoạn thực hiện các hạng mục kiên cố kênh chính, xây dựng các tuyến kênh cấp 1, 2, 3 và kênh tiêu.

Mục tiêu giai đoạn 2 là giảm tổn thất do thấm và tiết kiệm nguồn nước thêm khoảng 2m3/s để cấp nước cho khu dân cư, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.

Dự án thủy lợi tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông có chiều dài 117,8km, dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng vượt qua sông Vàm Cỏ Đông để cung cấp nước cho các huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu.

Nơi đây có nền đất tương đối cao và thường xuyên bị thiếu nước tưới vào mùa khô. Do đó, việc sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân ở hai huyện vô cùng khó khăn.

  • Siêu dự án thủy lợi ở Tây Ninh, đường ống khổng lồ đưa nước vượt sông

Ông Danh Kun (ngụ huyện Châu Thành) cho biết trước đây việc sản xuất nông nghiệp rất vất vả trong việc tưới tiêu. Từ ngày có hệ thống kênh mới, vấn đề này đã được cải thiện nhiều. Ngoài cây lúa, người nông dân có thể chuyển sang trồng các loại hoa màu, cây ăn quả.

Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành vào cuối năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng. Và đến đầu năm 2023, hệ thống này đã được nghiệm thu và đưa vào khai thác, đáp ứng cơ bản nhu cầu nước tưới nơi biên ải.

Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tây Ninh Trần Quang Vinh, hiện tỉnh có gần 2.000km kênh mương thủy lợi (trong đó kênh mương nội đồng dài gần 500km). Thủy lợi nội đồng là công trình kênh, mương, rạch, đường ống dẫn nước tưới, tiêu nước trong phạm vi từ điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đến khu đất canh tác.

Tuy nhiên, khoảng 25% chiều dài kênh nội đồng có dấu hiệu xuống cấp, bị sạt lở. Một số chỗ vẫn còn bị thấm, nhiều rong, rêu, bồi lắng làm lòng kênh bị thu hẹp và dòng chảy không ổn định. Do đó phải thường xuyên duy tu, bảo trì, bảo dưỡng.

Sau khi hoàn thiện toàn bộ, dự án trên sẽ cấp nước cho gần 17.000ha đất nông nghiệp và cung cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt, chăn nuôi với lưu lượng là 1m3/giây. Dự án giúp phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị cây trồng và góp phần cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.

Chiều 27-9, tại cuộc họp với đoàn công tác Chính phủ, tỉnh Tây Ninh đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, điều chỉnh và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách trung ương đối với giai đoạn 2 của dự án này.

Hệ thống thủy lợi Tây Ninh lớn nhất nước

Đến nay tỉnh Tây Ninh đã phát triển hệ thống thủy lợi được đánh giá là lớn nhất cả nước với tổng chiều dài các tuyến kênh trên 2.000km. Và hiện Tây Ninh có 4 hồ chứa nước gồm: Dầu Tiếng, Tha La, Nước Trong 1, Nước Trong 2.

Đồng thời tỉnh có hơn 1.700 tuyến kênh tưới (69,13% tuyến kiên cố hóa) và 365 tuyến kênh tiêu. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi còn cấp nước công nghiệp khoảng 7 triệu m3/năm, ngăn lũ và bảo vệ cho 2.709ha đất sản xuất nông nghiệp.