Tầng trên của tên lửa Trường Chinh 6A vỡ nát sau khi đưa vệ tinh lên quỹ đạo, tạo ra hơn 300 mảnh rác lớn và nhiều mảnh nhỏ khác.
Tên lửa Trường Chinh 6A cất cánh từ sân bay vũ trụ Thái Nguyên, mang theo 18 vệ tinh đầu tiên của mạng lưới Thousand Sails Constellation. Ảnh: Ourspace
Đầu tháng 8, tên lửa Trường Chinh 6A của Trung Quốc phóng 18 vệ tinh đầu tiên của mạng lưới băng thông rộng Thousand Sails Constellation, dự kiến gồm khoảng 15.000 vệ tinh. Tên lửa thành công đưa chúng vào quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO) với độ cao khoảng 800 km. Tuy nhiên, tầng trên của tên lửa vỡ nát ngay sau đó, tạo ra một đám mây rác bay quanh Trái Đất, theo Bộ Tư lệnh Vũ trụ Mỹ (USSPACECOM).
"USSPACECOM có thể xác nhận tầng trên của tên lửa Trường Chinh 6A phóng vào ngày 6/8/2024 đã vỡ nát, tạo ra hơn 300 mảnh vỡ theo dõi được trong quỹ đạo Trái Đất thấp. USSPACECOM chưa nhận thấy mối đe dọa cấp bách nào và đang tiếp tục thực hiện các đánh giá định kỳ để củng cố sự an toàn và bền vững cho không gian", cơ quan này cho biết hôm 8/8.
"Mảnh vỡ theo dõi được" thường là bất kỳ vật thể nào có đường kính ít nhất 10 cm. Đám mây rác mới chắc chắn cũng chứa nhiều mảnh nhỏ đến mức không thể theo dõi. Đây là một khởi đầu đáng lo ngại cho Thousand Sails Constellation, theo Slingshot Aerospace, công ty Mỹ chuyên về tăng cường nhận thức và tính bền vững trong lĩnh vực không gian.
"Chỉ cần một phần nhỏ trong tổng số vụ phóng nhằm triển khai mạng lưới vệ tinh khổng lồ của Trung Quốc tạo ra nhiều mảnh vỡ như vụ phóng đầu tiên này, kết quả sẽ là sự gia tăng không thể chấp nhận được về số lượng rác vũ trụ trên LEO", Audrey Schaffer, phó chủ tịch chiến lược và chính sách tại Slingshot Aerospace, cho biết.
Hàng loạt mảnh rác được tạo ra do thân tên lửa Trường Chinh 6A vỡ nát. Ảnh: Slingshot Aerospace
Đây không phải lần đầu tiên tầng trên của Trường Chinh 6A - tên lửa nặng khoảng 5.800 kg khi không có nhiên liệu đẩy - tạo ra đám mây rác trên quỹ đạo, theo Slingshot. Một phần thân tên lửa đã vỡ ra vào ngày 12/11/2022, không lâu sau khi triển khai vệ tinh thời tiết Yunhai-3, theo NASA. Sự kiện đó đã tạo ra 533 mảnh vỡ theo dõi được tính đến tháng 1/2023.
Quỹ đạo Trái Đất đang ngày càng trở nên đông đúc hơn với nhiều vệ tinh hoạt động và cả những mảnh vỡ. Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), khoảng 10.000 phương tiện vũ trụ đang hoạt động quanh Trái Đất, trong đó các vệ tinh Internet Starlink của SpaceX chiếm đa số. Bên cạnh đó, có khoảng 40.500 mảnh vỡ với đường kính ít nhất 10 cm và 130 triệu mảnh với đường kính ít nhất 1 mm.
Thu Thảo (Theo Space)
Đăng thảo luận