YênBái - Hiện tại, lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố bảo đảm cung ứng cho người dân, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh dần trở lại ổn định.
Tại các cửa hàng WinMart+ hàng hóa luôn dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
>> Yên Bái yêu cầu tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân bị ảnh hưởng bão số 3
Sau bão số 3 và hoàn lưu bão, nhiều địa phương trong tỉnh đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai gây ra. Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; nhiều doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh đã và đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung hàng hóa, phục vụ nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng lợi dụng thiên tai "găm hàng, tăng giá”...
Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết: "Trước và sau mưa bão, tình hình cung ứng, phân phối hàng hóa tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ và cửa hàng tiện lợi, tạp hóa trên địa bàn tỉnh được bảo đảm. Giá hàng hóa căn bản ổn định, không có tình trạng găm hàng và tăng giá đột biến, kể cả các nhóm hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, nước lọc... có sức mua lớn”.
Trong đợt mưa bão lần này, thành phố Yên Bái có nhiều địa phương bị ngập sâu trong nước khiến hoạt động tại các chợ, hệ thống cửa hàng WinMart+, cửa hàng tạp hóa bị gián đoạn. Công tác cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng được chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm chung tay góp sức, bảo đảm phục vụ kịp thời.
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu giúp bình ổn thị trường sau mưa bão, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường; phối hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa triển khai các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ khắc phục hậu quả sau bão cho các vùng bị ảnh hưởng. Sở Công Thương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với các đơn vị, địa phương kiểm tra tình hình sản xuất, cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trong tỉnh.
Ông Phạm Quang Đông - chuyên viên an ninh cơ sở hệ thống cửa hàng WinMart+ khu vực Yên Bái cho biết: "Sau mưa lũ, 10/15 cửa hàng đã bị thiệt hại; trong đó, có 8 cửa hàng trên địa bàn thành phố. Những ngày qua, chúng tôi đã huy động nhân viên trong hệ thống từ các tỉnh thành khác đến dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn, sửa chữa lại cửa hàng và tiêu hủy toàn bộ hàng không bảo đảm chất lượng. Dự kiến, sẽ nhập hàng mới về và ngày 5/10 sẽ mở cửa lại toàn bộ 10 cửa hàng”.
Đối với các chợ bị ảnh hưởng ngay sau khi nước rút, ban quản lý các chợ, tiểu thương kinh doanh nhanh chóng khắc phục, thực hiện vệ sinh môi trường quanh chợ để hoạt động trao đổi hàng hóa trở lại bình thường. Ngoài các khu vực bị ngập lụt, hoạt động thương mại diễn ra bình thường, việc lưu thông hàng hóa liên tục, bảo đảm nguồn cung, giá cả thị trường không có quá nhiều biến động.
Ghi nhận thực tế tại một số chợ trên địa bàn tỉnh sau cơn bão số 3, nguồn cung hàng hóa thiết yếu cơ bản vẫn dồi dào. Tuy nhiên, do tình hình mưa bão, ngập lụt xảy ra ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh nên nguồn cung rau xanh giảm mạnh, đẩy giá tăng cao hơn so với thời điểm trước khi xảy ra mưa lũ.
Điển hình tại chợ Bến Đò, thành phố Yên Bái, rau muống có giá 10.000 đồng/bó, tăng 5.000 đồng; rau ngót 15.000 đồng/bó, tăng 6.000 đồng; bí xanh 20.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; khoai tây 20.000 - 25.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; rau cải 25.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg...
Mặt hàng thịt lợn có tăng nhẹ do nguồn cung khan hiếm vì số lượng lớn các trại chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng và hiện tại mức giá từ 110.000 -150.000 đồng/kg tùy loại. Giá gạo tẻ thường cơ bản ổn định, dao động từ 17.000 - 25.000 đồng/kg tùy loại... Các chợ Đồng Tâm, Yên Thịnh thì tăng hơn hẳn: rau ngót tới 20.000 đồng/ mớ, rau muống 15.000 đồng, rau cải tới 30-40.000 đồng/kg.
Chị Bùi Thị Anh - tiểu thương bán rau, củ, quả tại chợ Bến Đò chia sẻ: "Giá rau xanh tăng là do ảnh hưởng của bão số 3 nên các địa phương trồng rau như: Tuy Lộc, Âu Lâu, Y Can… bị ngập, không còn rau để cung cấp. Cùng đó, việc vận chuyển rau từ nơi khác về cũng chậm hơn, cước vận chuyển cao hơn nên đẩy giá bán lên cao”.
Hiện tại, lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố bảo đảm cung ứng cho người dân, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh dần trở lại ổn định.
Hồng Duyên
Đăng thảo luận