Năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi đã khởi động dự án “Làm sạch Ấn Độ” (SBM), trong đó đề ra mục tiêu chính là cung cấp nhà vệ sinh cho toàn dân và xóa bỏ tình trạng đi vệ sinh ngoài trời (ODF). Theo một tạp chí khoa học, dự án này có thể cứu sống lên đến 70.000 trẻ sơ sinh mỗi năm.
Theo đó, Chính phủ đã đầu tư 16,7 tỷ USD để xây dựng hơn 117 triệu nhà vệ sinh, tập trung ở các vùng nông thôn nước này. Các nhà chức trách cho biết, trong giai đoạn đầu của chương trình, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà vệ sinh đã tăng từ 39% lên 100%. Sau giai đoạn này, nhiệm vụ chính của dự án là duy trì trạng thái ODF và quản lý chất thải.
Hầu hết các gia đình ở vùng nông thôn Ấn Độ đều đã có nhà vệ sinh. Ảnh: Kosaku MimuraTuy nhiên, việc thay đổi thói quen đi vệ sinh ngoài trời của người dân Ấn Độ không hề dễ dàng. Nhiều gia đình truyền thống vẫn quan niệm rằng không nên đi vệ sinh trong nhà, bất chấp sự bất tiện và nguy hiểm mà phụ nữ phải đối mặt khi đi vệ sinh ngoài trời. Quan niệm này bắt nguồn từ tín ngưỡng và văn hóa lâu đời, cho rằng việc đi vệ sinh bên ngoài là sạch sẽ hơn và không nên đặt nhà vệ sinh gần khu vực thờ cúng hoặc bếp núc.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 9 đã chỉ ra mối liên hệ đối nghịch giữa việc tiếp cận nhà vệ sinh và tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Nghiên cứu này cũng cho thấy sau khi chương trình SBM được triển khai, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm đáng kể.
Theo báo cáo, việc xây dựng nhiều nhà vệ sinh quy mô lớn đã góp phần giảm khoảng 60.000-70.000 ca tử vong ở trẻ sơ sinh hằng năm tại Ấn Độ. Điều này cho thấy rõ mối liên hệ giữa việc tiếp cận nhà vệ sinh và sức khỏe của trẻ em, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
Theo bác sĩ y khoa Abhishek Kumar Sinha tại bang Bihar, SBM đã đóng góp đáng kể vào việc giảm cả tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh (IMR) và tỷ lệ tử vong mẹ (MMR).
“Việc tiếp cận với các nhà vệ sinh sạch sẽ đã giúp ngăn chặn sự lây lan của nhiều bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, thương hàn, từ đó giảm thiểu nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh và cải thiện sức khỏe của mẹ” - Sinha cho biết.
Ngoài ra, SBM đã giúp cải thiện đáng kể điều kiện vệ sinh cho người dân, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng trên toàn quốc, đặc biệt tại các khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều nhà vệ sinh ở nông thôn đang không được sử dụng đúng mục đích. Theo giáo sư xã hội học Duru Arun Kumar tại New Delhi, nhiều nhà vệ sinh không có nguồn cấp nước đầy đủ và thậm chí còn bị tận dụng làm kho chứa đồ.
Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Mahatma Gandhi, vị lãnh tụ vĩ đại của Ấn Độ, người đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vệ sinh và y tế. Ngày 2/10/2019, Ấn Độ đã chính thức tuyên bố chấm dứt tình trạng đi vệ sinh ngoài trời.
Tuy nhiên, một số rào cản văn hóa vẫn khiến nhiều người dân, đặc biệt là nam giới ở nông thôn, giữ thói quen đi vệ sinh ngoài trời, dù nhà vệ sinh đã được xây dựng ngay trong nhà của họ.
Bên cạnh đó, việc thiếu nước sạch đã khiến việc sử dụng nhà vệ sinh trở nên khó khăn hơn. “Người dân phải sử dụng nước giếng để uống, vậy làm sao họ có đủ nước để sử dụng nhà vệ sinh?” - Kumar nói.
Để khắc phục tình trạng này, tháng 8/2019, Chính phủ đã triển khai dự án cung cấp nước máy an toàn cho các hộ gia đình nông thôn, với sự phối hợp chặt chẽ của các bang khác trong nước. Nhờ đó, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được tiếp cận với nguồn nước sạch đã tăng đáng kể từ 17% lên 74%, tuy nhiên, vẫn còn khoảng 26% (192,7 triệu hộ) chưa được kết nối với hệ thống cấp nước này.
Đăng thảo luận