Người bị sốt xuất huyết ngày càng nhiều tại Đà Lạt, nơi từng được xem là vùng đất miễn nhiễm với sốt xuất huyết.
Người dân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: M.V.
Hiện nay, mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận và điều trị cho khoảng 5 bệnh nhân bị sốt xuất huyết là người đang sinh sống tại Đà Lạt, không di chuyển sang địa bàn khác trước khi phát bệnh.
Điều này khiến các y, bác sĩ tại đây bất ngờ bởi trước đây Đà Lạt không có ca sốt xuất huyết. Nếu có thì đó là những ca nhiễm bệnh đến từ các địa phương ngoài Đà Lạt.
Gần 15.000 người Việt Nam đã tiếp cận vắc xin sốt xuất huyếtĐỌC NGAY
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, 2 năm trở lại đây bắt đầu có những ca nhiễm sốt xuất huyết là người sống tại Đà Lạt, mà trước khi xuất hiện triệu chứng đều không di chuyển sang các địa bàn khác.
Tuy nhiên, số lượng không đáng kể, không tạo nên tình huống có thể xem là dịch. Năm nay, số lượng người mắc sốt xuất huyết tại Đà Lạt tăng lên.
Ông Nguyễn Đức Thuận, giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, cho biết đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Đà Lạt đã qua. Cao điểm, mỗi ngày các cơ sở y tế tại Đà Lạt tiếp nhận điều trị cho khoảng 15 bệnh nhân sốt xuất huyết sinh sống trên địa bàn Đà Lạt. Hiện nay số bệnh nhân đang điều trị và phát sinh mới đã giảm.
Tính đến ngày 1-10, tại Đà Lạt có 71 ca sốt xuất huyết (trong khi, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) có đến hơn 2.000 ca và toàn tỉnh có khoảng 5.900 ca).
Ông Thuận nhấn mạnh, việc Đà Lạt có dịch sốt xuất huyết là ghi nhận về dịch tễ. Số bệnh nhân sốt xuất huyết ở Đà Lạt quá ít so với các tỉnh thành khác.
"Vấn đề không nghiêm trọng và không gây tác động tiêu cực đến du lịch và hoạt động dân sinh. Tuy nhiên, người dân cần có sinh hoạt khác trước, tuân thủ các khuyến nghị của cơ quan y tế để tránh bị nhiễm bệnh", ông Thuận nói.
Biến đổi khí hậu làm Đà Lạt đổi khác
Lý giải về nguyên nhân trước kia Đà Lạt không có sốt xuất huyết nay lại có, ông Nguyễn Đức Thuận, giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra. Và muỗi cái thuộc chi Aedes là trung gian truyền virus gây bệnh.
"Trước đây, Đà Lạt lạnh ẩm hơn hiện nay nên sự hoạt động của loại muỗi nói trên bị hạn chế, khả năng gây lan truyền dịch bệnh kém hoặc không có khả năng.
Tuy nhiên, những năm gần đây nền nhiệt Đà Lạt tăng lên, diễn tiến cực đoan hơn. Vô tình, sự thay đổi này lại làm cho trung gian truyền bệnh phát triển"- ông Thuận lý giải.
Đăng thảo luận