Chúng ta có thể truy vết bọn lừa đảo thông qua sim mà chúng gọi đến?

"Tại kẻ lừa đảo giả shipper lại biết thông tin của khách hàng về đơn hàng mà khách đã đặt? Theo tôi nghĩ, chúng lập ra một cửa hàng trên các sàn thương mại điện tử, đặt giá thấp hoặc giá hấp dẫn để thu hút người mua.

Sau đó ai đặt hàng thì chúng sẽ lọc ra danh sách 'những nạn nhân khả thi', bao gồm cả những khách hàng hay ghi chú 'Giao vào ngày thứ bảy, chủ nhật' hoặc 'Không giao vào giờ hành chính'. Vậy thôi là chúng đã thu hút rất nhiều nạn nhân từ từ vào bẫy chỉ với một cái laptop và vài cái điện thoại cùi bắp.

Còn vấn đề tôi thắc mắc vì sao không tra thông tin của số sim đã tham gia các vụ lừa đảo đó trong khi cơ quan chức năng đã tiến hành yêu cầu đăng ký sim chính chủ đã từ lâu?".

Độc giả nickname truongpham2402 bình luận như trên, đưa ra một hướng lý giải vì sao kẻ lừa đảo giả shipper biết thông tin mua hàng online của nạn nhân. Đồng thời đưa ra thắc mắc vì sao chưa truy vết những kẻ lừa đảo thông qua số điện thoại, vì hiện nay sim bắt buộc đăng ký chính chủ.

Bình luận trên được viết sau bài Giả shipper 'gửi hàng ở chỗ cũ' để lừa người mua chuyển khoản.

"Giả danh shipper lừa đảo" là cụm từ được truyền tai nhau nhiều thời gian gần đây. "Con mồi" mà chúng hướng đến là những người hay mua hàng online song lại không có thời gian nhận, kiểm tra hàng trực tiếp.

Trước thực trạng trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của công an nhiều tỉnh, thành liên tiếp phát các cảnh báo để người dân tránh mắc bẫy. Công an nhận định đây là thủ đoạn mới, tội phạm theo dõi các buổi livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok để xác định khách hàng có đặt mua sản phẩm.

Chúng sau đó lấy thông tin liên hệ và mặt hàng đặt mua của khách hàng từ các bình luận, tin nhắn công khai để thu thập thông tin người mua hàng. Có "data" trong tay, nhóm kẻ xấu gọi điện thoại xưng là nhân viên giao hàng để lừa đảo.

* Chia sẻ kinh nghiệm cảnh giác với vấn nạn lừa đảo online của bạn tại đây.

Hữu Nghị tổng hợp